Mùa xuân bình yên: CÂY SÚNG

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

CÂY SÚNG

1964. Miền Bắc yên bình. Chúng tôi đang ngân nga, tranh cãi về tập thơ làm chấn động văn đàn Việt Nam. “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu.
- Lỗi thời rồi. “Ba mươi tư năm đời ta có Đảng “ chứ. Cậu ta dẫn ra hai câu:
“Dân có ruộng dập dìu hợp tác,
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê” như bức tranh thuỷ mạc về những làng quê Việt Nam. yên bình.
Tôi lại cho rằng “Từ Ấy” mới là  tập thơ  thành công nhất của ông.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim….”
Bíêt bao thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là thế hệ học trò, ngất ngây về những áng thơ như thế. 
Tranh luận không có hồi kết. Chúng tôi, ai về nhà nấy.
Thế rồi tiếng súng nổ. Cao xạ, pháo tầm xa rền vang tại cửa ngõ Hải Phòng và các tỉnh miền Trung. Thanh niên xuất ngũ thời bình hối hả tái ngũ. Lớp trẻ rời ghế nhà trường. Gấp sách lại, hăng hái ghi tên tại địa phương, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Đường hành quân Thanh Hoá - Quảng Bình – Phong Nha-Kẻ Bàng - bến phà Xuân Sơn và đường 20 là điểm đến  của tôi.
Buổi đầu, Tây Trường Sơn còn hoang sơ lắm. Những cây rừng cổ thụ vươn cao, xum xuê che bóng  mát cho đất; che cho màu áo lính, áo bà ba và khăn ca rô vắt vai, mũ tai bèo thánh thiện…. Chúng tôi được lệnh: Đi không dấu, nấu không khói….hăm hở mở đường Tây Trường Sơn. 6 tháng đầu, tôi đi cùng đoàn khảo sát 559, đánh dấu cung đường sẽ mở. Rừng sâu, nước trong, suối rì rào, muông thú nhiều vô kể. Những ngày nắng ráo, mùa khô, mặt trời thức dậy là lúc vượn khỉ lúi lo. Trưa thì tiếng bìm bịp, gà gô vang ca, văng vẳng vách đá. Vui mắt nhất là hàng ngàn chú bướm xanh, đỏ, tím, vàng, đen, vằn…dập diù, xoắn xuýt. Chúng lượn vòng quanh, khi cao, khi thấp, khi lại tranh nhau đáp xuống hố đất ẩm ven đồi. Sướng mắt lắm.
Biên chế ở đội 25 Thanh Niên Xung Phong, thuộc Tổng đội TNXP Quảng Bình, hoàn thành nhiệm vụ khảo sát mở đường xong, tôi được khoác áo lính. Gần năm sau, Tây Trường Sơn nối Đông Trường Sơn. Hàng ngàn chiếc xe anh qua để lại bao nỗi nhớ mông lung cho hàng ngàn cô gái TNXP từ tứ xứ đổ về đây, mở đường.
 Con đường vận tải chiến lược này rồi cũng bị địch phát hiện. Trước đây, máy bay địch bay thấp, tiếng phành phạch của trực thăng đinh tai, nhức óc. Giấy thông hành và dụ dỗ chiêu hồi phía bên kia thả xuống trắng rừng. Tệ hại nhất, hàng đàn máy bay rải chất độc hoá học xuống rừng. Chỉ 1 đêm, lá rừng lìa cành, còn lại những khẳng khiu. Lán trại phải rút vào trong hang và các vách đá.
Ở đơn vị, người đầu tiên hy sinh trên chiến trường là anh Thắng, người làng Vị Hạ. Đang làm nhiệm vụ thống kê trên tuyến đường mới mở thì 2 chiếc F4H xả xuống 2 quả Rốc Két. Mãi tới chiều, mới lấy được xác anh. Tiễn đưa anh về nghĩa trang trên đồi cao, ngậm ngùi thương nhớ đồng đội, nhưng cũng thầm khen Mỹ tài thật, bắn trúng đùi một con người bé tẹo. Từ đó, chúng tôi không bao gìơ đi trên đường trống trải. Tên anh đã khắc vào bia đá “Tổ quốc ghi công” tại trung tâm thị trấn Bình Lục quê tôi.
Mùa khô 1968. Sau tết Mậu Thân. Chiến trường thắng lớn. Quân lính và súng ống cứ nườm nượp đổ vào. Mỗi xe GAT 63, ZIN 3 cầu…. ngoài kéo theo pháo hạng nhẹ còn phải chở 20-25 lính trẻ. Đi cả ban ngày, cứ vui như hội.
Nhưng chiến tranh, đâu phải trò đùa! Tháng sau, lính Mỹ trở lại, máy bay bắt đầu hoạt động. Pháo sáng rực trời, đêm như ban ngày. Các bạn lính trẻ cứ băng băng chạy vào rừng sâu. Đó là lúc bom bi thả xuồng. Điều tai hại nhất đã xẩy ra: thương vong và hy sịnh qúa nửa. Những người lính kinh nghiệm thì chẳng chạy lung tung như thế, họ kiếm chỗ thấp, nằm bẹp xuống đất như chú dán, hạn chế chiều cao để giảm bớt thương vong. Khi hết oanh tạc, pháo sáng hết, trời tối như bưng. Người còn sống mò mẫm, í ới gọi nhau kiếm đường ra. Tiếng rên rỉ bị thương não ruột.
Chúng tôi là những người bám trụ, lúc này mới vội vã băng bó vết thương cho đồng đội, tìm người còn sống, đưa họ ra vị trí an toàn và làm những việc hậu trận oanh tạc. Đồng đội hy sinh, nằm la liệt bên đường. Các bạn đã ở lại đây, gió vi vu, 4 mùa mây trắng vờn bay trong cô quạnh. Tuổi trẻ khép lại, bao ngóng trông của mẹ cha nơi quê nhà trở thành vô vọng. Ôi! Cái giá phải trả của bất cứ cuộc chiến tranh nào.
http://www.youtube.com/watch?v=Hk7tmgpP_rk

Cũng có những trận chiến như trò chơi điện tử. Tiểu đoàn cao xạ 202 bắn rụng 1 F4 vào chiều tối. Đêm hôm đó thanh bình. Trăng sáng lung linh, những ngôi sao đêm long lanh như mời gọi tâm tình. Cái yên ả của 1 đêm chiến trường cũng vui đáo để. Chúng tôi nướng sắn, ăn khoai, làm thịt mấy chú gà tự thả. Văn nghệ cây nhà lá vườn. Ngắm trăng và làm thơ. 9h30’ ôm nhau, lăn quay ngủ, mặc mấy cô nàng rửa bát, dọn mâm (là mấy chiếc bạt Nilon trải ra). 5 giờ sáng hôm sau, trực thăng ầm ỹ, tiếng AD6 cành cạch và tiếng phản lực xé gió, điếc tai. Thôi đúng chúng cứu phi công rồi. Chúng tôi vội vã ăn lương khô, uống nước, xách súng lên hẻm nuí săn máy bay. Cả tiểu đội  hùng dũng bóp cò. Thùng đạn mang theo vèo vèo đã hết. Các cô cấp dưỡng chi viện 2 thùng, còn nhoẻn nụ cười hẹn khao cái ấy! Chằng là Trung đoàn có lệnh khen tặng huy chương chiến công và 1 con bò kèm theo, nếu bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Đủ kiểu lý thuyết đưa ra: nhằm 3 thân, 4 thân, rồi đến 5,6…. thân, AD6 vẫn vòng quanh  ầm ầm. Trên cao, phản lực vẫn thay nhau hộ tống. OV-10 vẫn vòng vo chỉ điểm. 20’ chúng tôi di chuyển 1 lần, 30’ sau chúng bắn xuống chỗ chúng tôi vừa di chuyển. Cả buổi sáng như vậy. Súng nóng (đỏ) nòng, mà AD 6 vẫn hiện rõ chữ NAVY. Nản chí, chúng tôi lững thững  ra về, ăn trưa, và lại vào hầm ngủ tiếp.
Chuyện đời lính có bao giờ ngơi nghỉ. Tôi sẽ viết tiếp vào đây cho đủ bộ, đủ đàn……        

Chiến tranh đã lùi xa. Súng đạn vào kho, bọc kỹ, bôi mỡ và đóng gói cẩn thận. Người  lính về làng. Vai ba lô, dép cao su, mũ cối và 2 búp bê lủng lẳng bên sườn. Đời chiến trận, những phút bình yên dành cho giấc ngủ. Mắt trũng sâu, tuy có thâm quầng nhưng vẫn sáng long lanh. Trang phục lính, nổi lên trước ngực tấm huy hiệu Thương Binh màu hồng, chữ vàng óng ánh. Bọn trẻ con, trai thì đánh quay, đá bóng; gái thì chơi ô ăn quan. Ruí ra, rúi rít như bày chim non. Thấy tôi đi ngang qua sân, vào nhà, một cháu lớn nhất reo lên:
-         Cháu chào chú Hùng.
-         Cháu chào chú bộ đội! Chào chú bộ đội…
-         Chú chào các cháu. Chú giải ngũ rồi các cháu ạ.
Lũ trẻ ngơ ngác. Hình như chúng chưa quen với từ giải ngũ này. Các chú bộ đội làng tôi cứ ra đi. Đất nước còn tiếng súng, người người còn lớp lớp lên đường, sự trở về của tôi, là cái tò mò của chúng nó. Biết đâu có chú “B-Quay” về làng!
       Chúng xúm quanh tôi, sờ mó búp bê và chiếc bi đông hết nước. Tôi rút gói kẹo vừng, đặc sản Nghệ An, nơi tôi an dưỡng trước khi ra quân, đưa tặng cháu lớn nhất, chia đều cho cả hội. Chúng đồng thanh hô:
        - Cảm ơn chú, cảm ơn chú! Cảm ơn chú Thương binh.
Thì ra chúng đã phát hiện ra chiếc huy hiệu  tôi đeo trên ngực.
Những năm lên đường đi chiến trường xa, các cháu nhỏ này, tôi không hề biết mặt. 6. 7 năm rồi còn gì. Các cháu lại tiếp tục trò chơi. Tung tăng chạy nhẩy với trái bóng tròn mùa bưởi rụng. Bọn con gái lao nhao: “hê,,,hê… hết quan toàn dân thu quân kéo về “!  Tôi chợt nghĩ: Giá bao giờ, đất nước mình được một ngày như thế!
Xin mời các bạn đón xem tiếp phần 2: CÂY BÚT của tôi nhé. Hẹn gặp lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét