Mùa xuân bình yên: tháng 10 2011

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

BẠN TÔI VÀ TÔI.

Hội lớp đã qua lâu rồi, nhưng những nét đẹp của nó thì vẫn còn đây. Anh Hoàng Văn Bắc - K15, trong bài phát biểu của mình, đã nói về Bạn. Bạn là danh từ. Bạn học, bạn chiến đấu và bạn tù. 3 loại bạn này có sự kết dính đặc biệt. Xin mạo muội có vài dòng suy nghĩ.
Người ta thường nói: Bạn nối khố, là nói về bạn ở cái thời con nít, vắt mũi thò lò, quần áo trên bờ và tắm truồng cả hội. Một đứa tinh nghich giấu quần áo đi là tồng ngồng về nhà mặc vào bộ khác. Sáng oánh nhau, chiều gặp lại, lại cười toe toét. Ôi cái tuổi vô tư và hồn nhiên như vượn như khỉ! Bạn nối khố cũng có thể nói về một lớp người cùng hội làm thổ. Làm thổ là làm đất, không phải lầu xanh. Họ cùng đóng khố, đào ao chuôm, dùng thuyền chở đất và vượt lên những nền đất mới cho gia chủ làm nhà. Công việc này thường thấy ở đồng bằng châu thổ sông Hồng vào vụ giáp hạt, tháng ba, ngày tám, hoặc mùa nước nổi. Bạn là danh từ, còn có bạn đường, bạn đồng hành. Nói về tình sâu nghĩa nặng có bạn tri kỷ, bạn tri âm, bạn trí cốt. Bạn tình ngày xưa chỉ có ở nam và nữ, ngày nay thì tuốt tuột, nam nam, nữ nữ, nữ nam. Đến bạn đời thì 2 cái khác dấu chập 1, khăng khít lắm. Bạn chiến đấu và bạn tù, cũng khỏi bàn, xương máu dành cho nhau vì một mục tiêu chung chiến thắng!
Bạn học, bạn đồng môn, bạn cùng trang lứa. Cái thời đi học cho ta bạn học cấp I, II ở làng, xã. Bạn học cấp III ở huyện. Bạn học Đại học thì đã vượt ra ngoài danh giới quốc gia. Chữ Tàu, chữ Nga, chữ Anh, chữ Pháp, chữ loằng ngoằng như con giun con dế. Da đỏ, da đen, da trắng, da vàng cùng ánh mắt  nhìn lên bảng đen, phân tích, mổ xẻ sin sin, cos, cos….  Đó chính là bạn học. Thời gian để kết nối bạn học không nhiều. Con thuyền tới bến là mỗi người mỗi phương. Người bay lên trời bẻ lái máy bay, người chui xuống đất đào hầm khoét ngạch, người vào nhà máy chọc ngoáy lung tung, người ra khơi xa đội trời khuấy nước, người ra đứng đường thổi còi thu phí, người làm ký giả xếp chữ ăn tiền, người vào ngân hàng đếm tiền mệt nghỉ, người lại nuôi khỉ, nuôi chó, nuôi dê…. mỗi người mỗi nghiệp. Chúng ta, sau 40 năm trở thành bạn học, từ cái nôi đào tạo khoa học cơ bản, cũng có cách nhìn bạn học cuả riêng mình. Chẳng còn cảnh ôm nhau ngủ khì trên chiếc giường tập thể, chẳng còn buổi kiểm tra mà cả làng xơi ngỗng. Chẳng còn buổi đá banh, thua thì phải đứng, ở trần chụp ảnh….. 

Những chàng trai, cô gái ngày nào đã trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, những nhà nghiên cứu khoa học, những nhà quản lý, những nhà giáo chăm chút trồng Người. Tất cả có gia đình, ổn định kinh tế. Gần thì đầu tháng uống bia, cuối tháng thịt chó + Johnnie Walker. Chỉ một cái Click chuột, là tụ tập. Xa thì thăm nhau qua đường dây thép. Đó là bạn học. Quá khứ xa xăm chỉ còn là kỷ niệm. Tất cả các bạn đều là bạn tôi. Bạn tôi đã cho tôi cái gương sáng để mà soi chung. 40 năm ấy tôi đã có các bạn để mà tự hào. Các kỳ hội lớp là những dấu son. Không ai có thể quên đựợc những tình cảm chân thành, chúng ta vẫn nhớ về nhau, về những người bạn học một thời như thế. Bây giờ, chúng ta cũng vẫn đến với nhau, không địa vị, không chức tước, chỉ hai từ: BẠN HỌC!
Mời các bạn đón xem hôi lớp tôi mà Bạch Long Giang vừa cải tiến tải lên. Cảm ơn Giang và tác gỉa (bản gốc) Đào Kiến Quốc nhiều:
Đan Mạnh Hùng.                     

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

LỘC VỪNG LÁ ĐỎ: MÙA ĐÔNG ĐÃ VỀ.

Tuổi trẻ hiếu động. Dưới bóng cây bàng cổ thụ, chúng tôi thường túm năm, tụm ba chơi các trò dân gian. Đánh đáo, bắn bi, cưỡi ngựa ném bóng – trò chơi 2 phe, một phe làm ngựa, một phe cưỡi và ném bóng cho nhau. Để bóng rơi, đối phương nhặt bóng và ném trúng bẩt cứ ai của đối phương là đối phương thắng, không phải làm ngựa. Trò chơi lặp lại. Buổi chiều muộn, nhập nhọang tối, chúng tôi tụ tập. Lần này thì cả nam, nữ cùng chơi trốn tìm. Cả góc làng râm ran tiếng trẻ. Yêu biết mấy, làng quê Việt Nam thanh bình.
Khi cây bàng lá đỏ, chúng tôi vận thêm cái áo dài tay, một số đứa mặc áo len, con gái vắt cái khăn quàng trên cổ, thế là mùa đông đã về.

Ngày xưa, cây bàng lá đỏ. Ngày nay, lộc vừng lá đỏ: Mùa đông đã về!
    Mùa đông bâng khuâng, mùa đông hưu quạnh, mùa đông lạnh giá, mùa đông lang thang trên phố cổ, thương thay những con người cô quạnh. Cố nhân, nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương (22/5/1919 – 5/12/2002) năm 1939 đã viết “Đêm Đông” với bao tâm trạng ưu sầu. Tôi xin POST lên đây “Đêm Đông” với các giọng ca, cả ở hải ngoại: Thạnh Lam, Bạch Tuyết, Hồng Nhung, Lệ Thu - Diễm Liên, Hà Thanh. Mời các bạn tự chọn và cùng thưởng thức:





Có ai lang thang trong đêm đông, tôi xin cùng nhập hội!  

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

HỘI NGỘ VÀ DƯ ÂM


Sau 4 ngày hội lớp, các công việc lại bình thường. Ngày thì tất bật, xe cộ trên các nẻo đường chen chúc. Một chiếc xe BUS ngang đường là cả làng ùn tắc.
  (Ảnh IE)  -  Ơi giao thông, ới giao thông. Quy hoạch ơi là quy hoạch.
 “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Kỷ ở đây là kỷ cương, phép nước. Suy cho cùng, con người mới là tất cả. Chúng ta xây dựng nên luật pháp.  Chúng ta xây dựng nên kỷ cương. Chúng ta làm ra những con đường, ôtô mấy chấm và xe máy đời cao để lưu thông trên đó. Thế mà bây gìơ … có ý định cấm xe máy. Phố cổ đã đành, còn các nơi khác, cũng đi bộ a?  Tôi giật mình, sờ lên đầu xem có âm ấm không đây, lại có cả ý định (vay mượn các bạn hoặc) khâu mồn 30 năm…..để mua ôtô.  Xin cảm ơn “nhường đường là nét đẹp văn hoá”. Văn hoá giao thông…. mới!
Hội lớp vui quá. Bây giờ tôi vẫn ngất ngây. 40 năm sau mới nghe câu chuyện “gà mổ moi” của anh Nguyễn An Khánh. Chắc anh đánh thức vợ, con nhiều quá đấy mà! Còn nữa, “người Hà Nội không bao giờ vét đĩa”. Như vậy là không tiết kiệm trong ăn uống. Quê tôi cũng vậy: cỗ bàn bao giờ cũng phải để dư lại, mỗi thứ một ít. Anh Bắc K15 thì để nhầm dấu phẩy: "Gia đình có 2 con vợ, chồng sung sướng" - "Bò cày không được, thịt"! ("Gia đình có 2 con, vợ chồng sung sướng" - "Bò cày, không được thịt" )
Tôi cũng biết thêm, một TS nữa: Trần Trọng Toàn. Chúc mừng.
Tôi cũng… lăn tăn vì dự định mua 2 bó hoa tặng 2 hiệp sỹ của lớp không thành. Xa Hà Nội, chỉ được không khí trong lành, cảnh đẹp tự nhiên….. những  thứ khác thì hơi khó kiếm. Chẳng thế mà các cô gái H’Mông về Hà Nội nhiều thế.
Giang đã chớp cho tôi 1 ảnh. Cảm ơn Bạch Long Giang.

Hãy yêu tôi khi tôi mỉn cười với bạn. Tôi yêu bạn vì bạn đến với tôi.
Ask me when I smiled with you. I love you because you came to me.
 Mời các bạn xem ảnh lớp tôi qua tác gỉa BLGIANG:
http://k16toanco.info/node/497
Hôm  nay nhằm ngày 20 – 10. Hội thi nữ công trang trí bàn ăn cũng vui và ý nghĩa. Chúc mừng chị em lớp mình. Chúc bữa ăn ngon cho tất cả.
Ngày Phụ nữ Việt Nam. Chúc các bạn nữ mạnh khoẻ, khéo tay hay làm, làm nhiều hơn nói. Cỗ bàn đầy đặn. Chăm sóc gia đình ngày càng hạnh phúc.


Đan Mạnh Hùng.   

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

55 NĂM - MỘT KỲ TÍCH. 40 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

55 NĂM - MỘT KỲ TÍCH.
Khoa toán- cơ – tin học trường Đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trước đây là trường Đại học Tồng Hợp Hà Nội (ĐHTHHN), vừa long trọng tổ chức 55 năm ngày thành lập (1956 – 2011). Những thày cô, thời gian làm bước chân chậm chạp, tóc trắng xoá ngang vai và những học sinh, sinh viên hôm nay cùng hội tụ. 55 năm ngành toán cơ tin học nói riêng và ngành toán học Việt Nam nói chung, có những bước thăng trầm, lúc tăng lúc hạ. Người làm toán thì trầm ngâm hồi tưởng những ngày hoàng kim, người ngoài cuộc vẫn lặng lẽ, mơ màng về một ngành cao siêu vời vợi. Chẳng lẽ nền toán học nước nhà cũng lênh đênh, chìm nổi theo cơ chế thị trường sao?
Trời Vịêt Nam vẫn xanh trong. Những ngôi sao của nền toán học nước nhà vẫn tỏa sáng. Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Phan Đình Diệu, Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Duy Tiến, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Như, Phan Văn Hạp, Phạm Hoàng Thao, Đào Trọng Thi, Phạm Kỳ Anh, Vũ Hoàng Linh …. và gần đây. (hiện tượng) Giáo Sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, giáo sư  Hoàng Tuỵ vừa được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng Caratheodory lần đầu tiên trên thế giới, làm nóng lại con đường toán học Việt Nam. Lớp trẻ làm toán và thích học toán hăng say trở lại. Thật là mừng cho nền toán học nước nhà.
K16 chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm:

Các bạn tham khảo thêm bài viết của Nguyễn Vĩnh Thuận:
Lớp tôi, khóa 16 toán cơ, ĐHTHHN (1971-1975), còn 74 thành viên đang hít thở khí trời. Vẫn hăng say lắm cái đầu và tay bút. Những lãng tử Giáp Ngọ vẫn liếc mắt, đưa tình với toán học. Một công thức mới chưa xong, một giáo trình giang giở, một luận văn chưa hoàn thành…. là còn tìm kiếm lời giải. Những cánh chim đầu đàn như GS-TSKH Nguyễn Hữu Vịêt Hưng, GS – TSKH Đặng Hùng Thắng, GS-TSKH Nguyễn Hữu Dư, GS-TS Hoàng Xuân Huấn, Nguyễn Vũ Lương…. vẫn cần mẫn, mải miết đi, về giữa đất mẹ Việt Nam, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Nhật…. giảng dậy, làm toán trên đẩt bạn, làm cầu nối hữu nghị, giao lưu văn hoá và kết nối toán học Việt Nam với toán học hiện đại thế giới. Đây nữa, chủ sở hữu đầu tiên giải thưởng “ Nhân tài đất Việt”- giải thưởng danh giá nhất về công nghệ thông tin của Việt Nam: Đào Kiến Quốc.
(Đào Kíên Quốc, thày Phan Đức Chính và Tôn Quốc Bình)
   

40 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Chúng ta đã tổ chức thành công buổi gặp mặt sau 40 năm ngày vào trường. Khoảnh khắc vàng ấy sẽ để lại trong ta những kỷ niệm khó phai. Không những có số lượng dự họp đông nhất mà còn mời được cả gia đình, bạn bè thân thương của lớp cùng tham gia. Thành công trên cả tuyệt vời.
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mấy cái ngoảnh đầu đã tới kỷ niệm 40 năm ngày cắp sách vào cổng trường Đại học. Cũng chẳng phải ngắn ngủi gì, nửa cuộc đời bươn chải, cần cù và nhẫn nại, lượm lặt và tư duy, lao động và sáng tạo…. để hôm nay, chúng ta có ngày gặp mặt thật tưng bừng và náo nhiệt. Những gương mặt trai trẻ năm xưa đã thay bằng những nếp nhăn và mái đầu điểm bạc, nhưng vẫn còn đó, ánh mắt long lanh, nụ cười đầm ấm và mênh mông những tấm lòng rộng mở. Chúng ta đã có duyên kỳ ngộ cùng nhau 4 năm đèn sách, cùng nhau ăn bo bo, canh cải, rau muống, đào mương đắp đường…. và lại cùng nhau hội tụ. Tính tình vẫn thế. Tình bạn nguyên vẹn. Chúng ta đã tổ chức thành công buổi gặp mặt. Đông vui qúa, nhộn nhịp quá, thành công quá sức tưởng tượng. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt màu da, dân tộc, đẳng cấp và tôn giáo. Ai có xe dùng xe, ai có máy dùng máy, không có máy thì dùng xe bít, xe ôm. Tứ phương thì đi máy bay, tàu hoả, hạ sách đi bộ.  Dù ở gần chuẩn bị chỉ 1 ngày. Ở xa thì hối hả cả tháng. Có gì dùng nấy, miễn sao ai cũng đến được 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân – Hà Nội làm nơi xuất phát lên đường….     
Và đây là những bông hồng của lớp tại khu sinh thái Ba Vỳ: 

Lớp tôi K16: 

Thăm quan Thiên Sơn - Thác Ngà:
Chúng tôi ở giữa hai nhân vật nổi tiếng: Đặng Hùng Thắng - người rất thành công trong các kỳ làm trưởng đoàn học sinh giỏi VN thi Olimpic toán quốc tế và Nguyễn Hữu Việt Hưng - đầu ngành Topo học, người Việt Nam xịn, lại giảng dạy cả ở bên Mỹ.
Còn đây là cảnh xa xa, mây trắng vờn quanh trên đền thờ Bác Hồ:

Con gái tôi cũng tham gia hội lớp:( áo trắng).
Bạn áo dài bên cạnh là Đào Ngọc Hoàn, người cách đây trên 40 năm đã đánh bại tất cả để giành vị trí cao nhất trong kỳ thi HS giỏi toán Miền Bắc:

Mấy dòng cảm xúc khi vừa về đến nhà. Cảm ơn ban liên lạc đã tổ chức tuyệt vời buổi hội này. 10, 20, 30, 40 năm sau, chúng ta vẫn sẽ hẹn gặp nhau.
Trong bài có sử dụng tư liệu và ảnh của http://K16toanco.info. Trân trọng cảm ơn trang WEB và tất cả các bạn.