Mùa xuân bình yên: tháng 1 2024

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

4 bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt

 Ung thư, tăng sản lành tính, viêm cấp tính và mạn tính là những vấn đề ở tuyến tiền liệt mà nam giới hay gặp.

Các bệnh lý ở tuyến tiền liệt khá phổ biến ở nam giới, nhất là khi lớn tuổi. Bệnh có thể từ nặng đến nhẹ, có thể gây tử vong nếu không được điều trị phù hợp.

1.Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và cũng là vấn đề tuyến tiền liệt nguy hiểm nhất.

Tế bào ung thư phát triển ở tuyến tiền liệt - tuyến nhỏ tạo ra tinh dịch. Bệnh tiến triển theo thời gian, ở giai đoạn đầu khối u thường nằm trong tuyến tiền liệt.

Ban đầu bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng giống như bất kỳ vấn đề tuyến tiền liệt khác. Khi ung thư tiến triển hơn, các triệu chứng thường là khó tiểu, dòng nước tiểu yếu, tiểu không tự chủ, máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu, khó chịu ở vùng xương chậu, đau xương, rối loạn cương dương.

Khối u tuyến tiền liệt có thể lây lan hoặc di căn đến các cơ quan lân cận qua đường máu hoặc hệ bạch huyết đến xương, các cơ quan khác. Ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm có cơ hội điều trị khỏi cao. Ung thư ở giai đoạn di căn khó có thể chữa khỏi.

Tuổi cao, béo phì, tiền sử gia đình ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Người có tiền sử gia đình mang gene làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú là BRCA1 hoặc BRCA2 có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư phổ biến ở đàn ông. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

2.Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là tình trạng tuyến tiền liệt bị phì đại, tức là sự gia tăng về kích thước và số lượng tế bào tạo nên tuyến tiền liệt. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng giống ung thư tuyến tiền liệt nhưng không phải ung thư. Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi vì tuyến tiền liệt phát triển theo tuổi tác.

3.Viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính phát triển nhanh chóng và gây ra các triệu chứng như khó tiểu, đau bẹn, xương chậu, bộ phận sinh dục, các triệu chứng giống cúm. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do nhiễm vi khuẩn có thể tự khỏi hoặc cần dùng thuốc chỉ định của bác sĩ.

4.Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính thường kéo dài trong nhiều tháng và gây ra triệu chứng không liên tục hoặc ở mức độ nhẹ. Loại viêm tuyến tiền liệt này thường khó điều trị hơn. Tỷ lệ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt mạn tính tăng lên khi già.

Mai Cat (Theo Very Well Health)

 

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

KHÔNG ĂN BƯỞI SAU KHI UỐNG RƯỢU BIA

 Bưởi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như có thể làm thuốc Đông y trừ phong hóa đờm, trị ho, ngừa rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa say xe. Bưởi giàu các loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, chúng ta nên cẩn trọng sử dụng bưởi trong một số trường hợp. Nhiều người cho rằng bưởi chứa nhiều nước, giàu vitamin C nên có thể giải rượu là hoàn toàn sai lầm.

Thực tế bưởi chứa hợp chất furanocoumarin làm tăng men ruột, khiến tăng độc tính ethanol trong bia rượu, gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất sau khi uống rượu bia khoảng 48 giờ mới nên ăn bưởi.

Chuyên gia khuyên, tốt nhất sau khi uống rượu bia khoảng 48 giờ mới nên ăn bưởi. (Ảnh minh hoạ)© Được VTC cung cấp

Ngoài rượu bia, người đang sử dụng một số loại thuốc cũng không nên ăn bưởi vì nó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, như một số loại thuốc điều trị ung thư, trong khi loại quả này rất tốt với bệnh nhân bị tiểu đường.

Chính vì những ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe nên các chuyên gia khuyến cáo người đang trong quá trình điều trị bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ, nếu muốn ăn bưởi để tránh tác dụng phụ.

Bưởi nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Đây là một trong những trái cây được ưa thích ở nước ta, phù hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài múi bưởi, vỏ, cùi bưởi cũng rất quý trong cuộc sống hằng ngày.

Theo y học cổ truyền, vỏ bưởi vị đắng, cay, thơm, tính bình, tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu phù thũng, đau ruột, trường phong.

Hiện vỏ bưởi hay được dùng chế biến dầu gội đầu thảo dược. Bạn có thể dùng vỏ bưởi để nấu nước gội đầu giúp mượt tóc, ngăn ngừa tóc rụng. Vỏ xanh chứa nhiều tinh dầu dùng trong ăn uống không tiêu, nôn nghén ở phụ nữ.

Tinh dầu trong vỏ bưởi còn chữa chứng hôi miệng rất tốt. Bạn lấy vỏ bưởi khô nấu nước, cho thêm muối để súc miệng hằng ngày, hiệu quả rõ rệt sau một tuần lần sử dụng. Dân gian thường sử dụng vỏ bưởi nấu nước xông với các loại lá chứa nhiều tinh dầu khác để giải cảm. 

Vỏ bưởi cũng chứa nhiều flavonoid, tác dụng bảo vệ thành mao mạch, bền vững, ngăn ngừa tai biến, hạ huyết áp. Trong vỏ bưởi chứa naringin, men peroxidaza, đường ramnoza, amylase, hesperidin, vitamin A, C. Những hoạt chất này làm vỏ bưởi trở thành một loại nguyên liệu tốt cho việc làm đẹp da, hỗ trợ giảm sự xuất hiện nếp nhăn hoặc tàn nhang.

Theo Đông y, cùi bưởi vị cay, ngọt, hơi đắng, tính ấm. Pectin trong cùi bưởi hạn chế hấp thu chất béo, giảm mỡ máu. Chất nhầy pectin còn là lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm cơn đau dạ dày. Người ta hay dùng cùi bưởi sấy khô, nấu nước uống thay trà để giảm mỡ máu. Cùi bưởi sấy khô hầm và lấy nước, cho thêm mật ong, muối giúp giảm ho hiệu quả.

Bạn có thể giữ lại vỏ bưởi, treo lên ngăn ngừa muỗi, côn trùng khá hiệu quả. Hằng ngày, người dân vẫn sử dụng cùi bưởi để nấu chè, làm gỏi, nem chay giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả, ngăn tình trạng mỡ máu cao.

Lưu ý, khi sử dụng vỏ, cùi bưởi không nên ăn lúc đói vì gây cồn cào, khó chịu. Ngoài ra, vỏ bưởi có thể tồn dư thuốc trừ sâu, nếu bạn không biết cách chế biến, làm sạch thì có thể vô tình đưa lượng thuốc đó vào cơ thể. Với một số người đang uống thuốc điều trị ung thư hay các bệnh lý khác, cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng vỏ, cùi bưởi. (VTC News)