Mùa xuân bình yên: ANH HÙNG – TẠI SAO KHÔNG?

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

ANH HÙNG – TẠI SAO KHÔNG?

Những ngày tháng 7, chúng tôi kỷ niệm 50 năm lên đường cứu nước. Nhanh thật, mới đó mà  như giấc mộng chiêm bao. Giắc mơ khủng khiếp nhưng cũng đầy dẫy những thiên anh hùng. Gia nhập Thanh Niên Xung Phong (TNXP) vào ngày 5 tháng 7, mỗi chúng tôi có hoàn cảnh riêng. Lúc ấy tinh thần dân tộc và khí thế vươn lên của tuổi trẻ, thêm vào sự tuyên truyền hoàn hảo của Đoàn Thanh Niên, đài Tiếng nói Việt Nam… nghĩa là bộ máy tuyên truyền của cả hệ thống là không chê vào đâu được. 200 thanh niên nam, nữ, cất bút nghiên; từ biệt công việc đồng áng, gia đình, bố mẹ, ông bà…lên đường giành lấy thời cơ ‘ngàn năm có môt’ – chống Mỹ cứu nước.

Về quê hương, thăm thú mảnh vườn xưa, cũng không quên thăm lại những người bạn TNXP đã cùng tôi chiến đấu của một thời máu lửa. Tóc có bạc, mắt mờ, chân chậm, một số đồng đội mang nạng gỗ vì chân đã để lại ở chiến trường, nhưng tinh thần vẫn hăng hái như ngày nào. Đất nước có biến, sẵn sàng con cháu tiếp theo hiến dâng cho tổ quốc! Tổ quốc – hai tiếng thiêng liêng vẫn là lực đẩy cho những mái đầu bạc hôm nay.
Cuộc họp mặt đơn vị C456 - TNXP xã tôi, dù chỉ còn 1/3 con số, cũng đủ ấm áp tình đồng đội sáng trong và khí thế gian nan vượt qua, khó khăn khắc phục. Tinh thần TNXP Quyết thắng vẫn ngời ngời trong mỗi con người. Tôi càng bất ngờ hơn khi có ý kiến đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT cho tôi. Lý do thật đơn giản vì tôi đã cống hiến trọn thời gian TNXP và quân ngũ tại C456 Hà Nam…
Tôi chỉ cười và cám ơn đồng đội đã nhớ tới đồng đội bằng thiện cảm chân thật của mình. 50 năm về trước, sau 3 tháng mở đường sát Cầu Giát – Thái hòa, chúng tôi được lệnh hành quân vào Quảng Bình. C456 Hà Nam được biên chế vào đôi 25 TNXP Quảng Bình, làm nhiệm vụ mở đường từ Km số 0 phà Xuân Sơn đến biên giới Việt Lào. Đó là điểm khởi đầu của tuyến đường 20 Quyết thắng, sau này được đổi tên là đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Buổi đầu mở đường, chúng tôi thực hiện đi không dấu, nấu ăn không khói, mọi thứ đều bí mật. Mở đường đến đoạn nào lộ liễu, chúng tôi lại ngụy trang ngay bằng các cây rừng treo vào các sợi giây thép. Lần đầu tiên, tôi đánh dấu tên mình vào thành tích của đơn vị là việc lắp và thiết kế xe cải tiến chở đá. Lắp nan hoa chéo 8 cho bánh xe có săm lốp, đóng xe có càng xe phía sau dài 20 cm, khi xuống dốc, người cầm lái chỉ việc dựng ngược xe  cho đuôi xe quẹt xuống đường, khỏi cần 2 người buộc thừng kéo lại như trước đây. Sáng kiến được chính tôi áp dụng trong suốt quá trình chở đá từ trên núi cao ra mặt đường. Chỉ cần đấy xe lên lấy đá, không cần người hỗ trợ kéo xuống, giảm được bao sức lực.
Cũng trên cung đường đầu tiên của đoàn 559, tôi đã lập kỷ lục đầu tiên khi rải xong 23 m đường  rộng 3 m, có chèn đá răm, đất xốp, nghĩa là đat thành tích quá gấp đôi định mức,  cho 1 ca sản xuất. Cũng có buổi làm vui như hội. Đó là ngày chúng tôi được thông báo có phi công Mỹ nhảy dù trong địa bàn. Chia 2 người một, chúng tôi lùng sục cả chiều. 6 giờ tối, một đội viên sảy chân, quờ vào vách đá, nào ngờ đó là cái giày của phi công. Cuộc truy lùng kết quả. Người đội viên TNXP ấy được cấp trên thưởng bằng khen, kèm theo 1 kg đường, 1 hộp sữa. Vui ơi là vui.
Cuối năm 1966, Đội 25 TNXP Quảng Bình vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng.
Mùa mưa 1966, kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 11, những đồng đội ốm đau về hậu phương an dưỡng, C456 được gộp với C458, C459, C460 và thành lập C5 - D33, bổ sung quân số đường 20, hành quân vào bản Noong Ma, làm đường nối cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo PhuLaNhich. Những ngày đầu. đường còn giữ được bí mât, chúng tôi lập lán trại tập trung, nam nữ cùng 1 lán, chuyện quê hương được chia sẻ. Về sau, khi con đường bị lộ, máy bay địch đánh phá suốt ngày đêm, chúng tôi tan đàn, mỗi tiểu đội vào 1 hang đá đóng quân, cách đường cả Km. Cua chữ A, ngầm Tale, đèo Phulanhich hứng chịu ngàn tấn bom, trở thành trọng điểm ác liệt. Mùa mưa, chúng tôi vẫn đội mưa, chặt cây, rải long đanh, chống lầy cho vài chục chuyến xe qua mỗi đêm. Nằm trên kho gạo mà chúng tôi chấp hành kỷ luật, định mức ăn 1 ngày 200 gam gạo. Đói, chúng tôi lấy rau tàu bay, đào củ mài, săn bắn chim cu sanh nấu cháo ăn qua ngày và vẫn đảm bảo nhiệm vụ thông tuyến.
Năm 1967, máy bay Mỹ ném bom ác liệt hơn, chúng huy động cả B52 vào cuộc ném bom rải thảm xuống cua chữ A, ngầm Tale và đèo Phulanhic. Cả đoạn đường hàng chục cây số không còn một bóng cây. Khi đó, mọi việc bảo trì đường phải vào ban đêm. Ban ngày trên trời, chỉ còn OV-10 quấy đảo, và chúng tôi ngụy trang như con chuột lầm lũi, đào bới, đánh dấu bom chưa nổ hoặc bom nổ chậm để phá nổ. Thế là trận chiến trở thành cuộc đấu trí cân não. Chúng tôi tiếp cận bom thật nhanh, dùng bộc phá TNT 250 gam, kíp nổ với 40 cm giây cháy chậm, đặt ngoài vỏ bom, cách cánh bom 20 cm, châm lửa, thoát vào khu vực an toàn. Với lượng thuốc nổ như vậy, đủ quả bom vỡ toác và hơi thuốc nổ quét sạch thuốc nổ trong quả bom, mối nguy hiểm đã hết. Nếu kíp nổ hoạt động, có chăng chỉ đến cạch như pháo tép vì thuốc nổ đâu còn. Cũng có khi đang trên đường tiếp cận, thì bom nổ. Thu mình lại, ngồi ôm đùi, cả thân chỉ có cái mũ sắt che chở, nghe những mảnh bom u.u bay lên trời như tiếng ong vỡ tổ, phập, phập rơi xuống xung quanh mà lạnh tóc gáy. Sự sống con người khép lại, nếu mảnh bom rơi trúng. May thay, không một ai trong đơn vị dính chưởng này. Mục tiêu chiến tranh là tìm mọi cách tiêu diệt đối phương. Nhưng sự sống vẫn còn thênh thang với mỗi người.Tiểu đội tôi đã phá bom như vậy và những thành tích ấy, chúng tôi dành cho nữ tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu – người được làm điểm xây dựng anh hùng. Sau này, khi hy sinh, đồng chí được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1967 cũng cho tôi kinh nghiệm tháo bom bi quả dứa lấy thuốc nổ về cho đơn vị phá đá. Mìn lá gan, mìn vướng nổ đầy đường. Tôi lại có sáng kiến dùng sợi dây cước 50 m, buộc vào đầu cục sắt, ném ra xa, ngồi vào vị trí an toàn, kéo sợi cước đi đến đâu, bom nổ như pháo rang đến đó. Cứ thế, chúng tôi tiến lên phía trước, bảo đảm an toàn (đói với bom vướng nổ, vì mỗi quả bom có tới 3 dây chỉ 20 m, lò xo bắn đi 3 hướng, chỉ chờ người vướng vào là nó nổ). Để phá bom từ trường, chỉ cần thay cục sắt bằng cục nam châm vĩnh cửu. Đối với mìn zip, mìn lá gan thì việc rà soát cẩn thận và lâu hơn rất nhiều, nhặt và gom chúng lại 1 chỗ, chủ động cho nổ, chỉ cần sơ suất nhỏ là phải trả giá, cụt chân, thương tích liền. Sau  một thời gian kinh nghiệm, chúng tôi làm lấy và đề phòng bằng cách đi những đôi dép lốp to gấp 2 lần bàn chân vào những vùng có mìn lá gan. Chẳng may giẫm phải mìn còn xót lại do bụi, đất đá phủ kín, thì chiếc dép lốp bị phá hỏng, chân bị thương rất nhẹ, còn ở lại vị trí chiến đấu. Bất đắc dĩ trở thành thợ cắt dép lốp cho mọi người. Người lính nghịch như tuổi học trò, thu mìn lá gan vào vách đá, chúng tôi đứng trên vực, thi nhau cầm mìn lá gan, ném xuống, nổ ran cả khu rừng.
Năm 1968, mở màn bằng bài thơ chúc tết của Bác Hồ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang…” Chúng tôi xung trận với khí thế long trời, lở đất. Miền Nam mở màm bằng chiến dịch Mậu Thân, đánh vào thành phố Huế. Có tới 20 ngày sau đó không có một tiếng máy bay trên bầu trời. Chúng tôi hứng khởi cho rằng giải phóng Miền Nam đến nơi. Lạc quan tếu, tháng sau, máy bay Mỹ quay lại, cuộc chiến ác liệt hơn nhiều lần. Thương vong ngày càng lớn, việc bổ sung quân số thường xuyên hơn, những chiến sỹ mới, huấn luyện rất lâu mới có được cái khôn khéo phòng tránh bom rơi, đất đá tung tóe lên trời mỗi đợt tọa độ. Chia nhỏ để tránh thương vong, mỗi tốp 3 người cho 1 km, chúng tôi vẫn bảo đảm thông xe mỗi đêm về.
Máy bay B52 Mỹ đánh phá tuyến đường theo quy luật thời gian nhất định. 10 giờ sáng, 8 giờ tối, từng tốp 3 chiếc một, 3 đợt rải thám xuống tuyến đường. Khi tiếng bom “xuyên thùng” – quả bom vét cuối cùng trong đợt, kết thúc, chúng tôi lại trỗi dậy từ các hầm trú ẩn, hốc đá, chặt cây đổ, lấp hố bom. Chẳng ai bảo ai, khẩn trương là mệnh lệnh số một.
Đơn vị được biên chế 1 máy xúc lấp hố bom. Đồng chí Vũ Tiến Đề bám trụ ngày đêm và tôi được giao nhiệm vụ cảnh báo cho đ/c khi làm nhiệm vụ. Cách xa 50 m, khi có máy bay đến, tôi bắn 2 phát K44 để cho anh kịp xuống trú ẩn. Máy bay oanh tạc xong, tôi lại đến bắt tay anh và lại tiếp tục công việc. Gắn bó 6 tháng trời, tôi lại được giao nhiệm vụ trở về ngầm Tale. Tại đây, ngoài nhiệm vụ bảo đảm cho xe qua, tôi lại giành kỷ lục mới: Chỉ với 0.5 kg TNT, 5 kíp nổ, cùng búa, choòng, tôi đã chinh phục ngày phá đá 3, đạt 17,5 m3. Nêu gương định mức phấn đấu cho rất nhiều người ở các đơn vỵ lúc bấy giờ.
Trong những ngày tại ngũ, tôi cũng tham gia giảng dạy BTVH. Tối lên lớp bổ túc kiến thức Toán, lý, hóa, sinh theo chương trình bổ túc của bộ Giáo dục. Tham gia đội văn nghệ không chuyên của đơn vị. Có những tiết mục đặc sắc được giải cao của binh trạm 32. Đỉnh điểm được tập trung 3 tháng biểu diễn tại các đơn vị khác. Trên đỉnh Trường Sơn, tại các trạm giao liên, tôi đã thổi sáo trúc bài “Anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch…” mang lại cho các chiến sỹ bao cảm xúc. Tôi nhớ nhất, một nhà văn vào công tác phía Nam, tìm đến trại của tôi, nghe tôi độc diễn và nói rằng “anh là văn công à? Thảo nào thối sáo hay thế!”. Anh còn rút ví ra, tặng tôi tất cả những đồng tiền giấy 1 hào, hai hào, năm hào còn lại, nhờ tôi tiêu hộ vì từ đây trở vào chỉ tiêu tiền Trường Sơn, vào cứ không tiêu tiền nữa… Tôi không có được địa chỉ của anh, nhớ lại, kỷ niệm đẹp nhưng tôi cũng là một thằng khờ, không hơn, không kém.
Mùa mưa 1968, sau khi chiến dịch đường 9- Nam Lào kết thúc, thay vì đi an dưỡng như các đồng đội khác, tôi xung phong vào đội khảo sát mở đường 20B, vòng tránh các trọng điểm, làm đường nhánh, thông tới tận A Sầu, A Lưới, A So của đường 9 – Nam Lào. Điều thú vị, mà sau này, nhiều người nói ra tôi mới biết, cứ tôi đi công tác đâu là cán bộ trung đội, đại đội chẳng phải phân công ai, số lượng tình nguyện đi theo cũng quá đủ. Vì mỗi lần tôi đi công tác đâu, máy bay B52 không hoạt động. Nhưng chiến tranh đâu có sự may rủi quá nhiều. Tôi cũng bị 2 trận B52 trút xuống đúng đội hình. Lần đầu, 1967, cách cua chữ A 2,5 km, cả trung đội đang san đường thì B52 bắt đầu rải thảm. Bom cầy lên bom, chúng tôi chỉ kịp nép vào Taluy. 4 đ/c ở taluy dương bị cả núi đất đè vào. Chúng tôi nằm ở taluy âm, bình yên vô sự. (Trận chiến này đã được báo Nhân Dân tường thuật và đăng tải rất kỹ. Bài báo ca ngợi chúng tôi như những anh hùng trỗi dậy từ  hàng tấn đất rơi, đặc biệt viết ca ngợi hành động dũng cảm của Nguyễn Thị Vân Liệu, đứng lên từ vùi lấp, đào bới cấp cứu đồng đội. Báo đến tay chúng tôi hơi muộn, nhưng người trong cuộc, cười xoà: Báo ấy mà).
 Năm 1968, sau B52 đợt 1 vào lúc 8 giờ tối, mấy đơn vị lại ra kè đá ở ngầm Tale. 2 giờ sau, tức là vào giờ không ngờ tới, chúng lại vãi bom như vãi thóc giống trên đồng, tôi cùng 3 đồng đội khác, nháy lên bờ, ép mình ngay đó. Đợt 1 xong, 2 đ/c bật dậy chạy lên phía hầm, 1 quả bom rơi. Trên đường các anh chạy chỉ còn lại hố bom và một mùi khét lẹt. Trận chiến gây tổn thất nặng nề. các bạn ở cứ, cho rằng tôi đã hy sinh, bàn cách viết thư động viên cho bố mẹ tôi thế nào cho hợp lý. Còn tôi ở mép hố bom. Sức ép đến nỗi, chiếc mũ sắt Ba Lan – loại có vành rộng, không cụp – bay khỏi đầu, quai mũ da còn lại. Tôi ngất sửu vì sức ép, đồng đội cõng về cứ. Các bạn đồng hương ôm chầm lấy tôi, nước mắt lăn trên má. Ôi, những hạt ngọc của những tấm lòng vàng, Tôi đã bước qua chiến tranh như thế. Hú vía!  
Tôi còn đẻ lại dấu ấn ở hai bản báo cáo thành tích của đơn vi trong các năm 1967,  1968. Được giao nhiệm vụ viêt báo cáo, nếu được lưu trữ, thì nét bút, cách hành văn báo cáo vẫn còn lưu bút của tôi. Những ngày chiến tranh ác liêt nhất, đơn vị vẫn sẵn sàng cho một báo cáo đĩnh đạc, chuẩn bị cho danh hiệu anh hùng.
Những năm tháng trên con đường bất tử, tôi đã dành 8 bằng khen do ông Nam Hải, Phan Hữu Đại, Đinh Đức Thiện ký tặng, 2 năm 1967, 1968 được công nhận Chiến sỹ thi đua. Được 2 huân chương thì chẳng dám đeo, vì đeo cứ thấy đầu hâm hấp, ấm đầu như thế nào ấy (?).
Nhưng rồi, điều gì đến ắt sẽ đến. Tháng 2/1969, tôi bị thương lần thứ 3, điều trị 2 tháng, teo cơ đùi, là người cuối cùng của đơn vị TNXP C456 rời chiến trường về đoàn 3-67 Thanh Hóa. Trước khi lên đường trở về hậu phương, Tôi phải giao nộp lại tất cả vũ khí, giao nôp lại cả bảng điều khiển bom từ trường  - chiến lợi phẩm của những kỳ phá bom. Mỗi quả bom từ trường đều có 1 bảng điều khiển, trên đó có rất nhiều bóng bán dẫn. Giấu giấu, giếm giếm 2 bảng như vậy, phục viên về hậu phương, anh rể tôi lắp cho 2 cái đài bán dẫn, để đầu giường nghe đài tiếng nói Việt Nam, êm dịu ngủ lúc nào không hay.
 Năm sau thi tự do vào Đại Học Tổng Hợp, cuộc đời vẫn rong ruổi theo lá cờ búa liềm.
Biết rằng cuộc đời là cả chuỗi truân chuyên, hãy cứ âm thầm phấn đấu, làm đẹp cho đời thì ắt có người hiểu. Hôm nay, có bạn đưa ra ý kiến này.
Anh hùng. Xin vái cả nón vì biết đâu ở nơi kia, cao lắm, vẫn có người ngấp nghé hoa thơm, cỏ lạ như trước đây ở chiến trường. Thân cô, thế cô, tôi đã sống những năm tháng không hổ thẹn. Xin được hài lòng với hiện tại!

Ghi chú: Anh Vũ Tiến Đề: Anh hùng các LLVTND, nghỉ hưu và đã mất tại quê hương Thái Bình;  C5 TNXP Hà Nam; Hội cựu TNXP Hà Nam cũng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. Vinh dự và rất đáng tự hào.
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét