Mùa xuân bình yên: SONATA ÁNH TRĂNG & HUYỀN THOẠI

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

SONATA ÁNH TRĂNG & HUYỀN THOẠI

 

1 Về Beethoven – Thiên Tài Vượt Lên Trên Số Phận. ‘Tôi đã thoát khỏi nỗi u buồn và tôi sẽ là một người đàn ông chín chắn, thiết tha với cuộc sống. Bạn có thể nghĩ tôi đang cố tỏ ra hạnh phúc trong điều bất hạnh. Không! Tôi không cam chịu. Cuộc đời này đẹp lắm và tôi có hàng nghìn lý do để sống’. – Beethoven.

 Chín bản Giao hưởng, 1 vở nhạc kịch "Fidelio", 32 bản sonata cho piano, 5 bản concerto cho piano, 16 bản nhạc cho bộ tư đàn dây; 16 bản sonata cho piano và một nhạc cụ khác (cello, violin)... Beethoven không sáng tác nhiều như Mozart hay Schubert, nhưng những sáng tác của ông - những công trình lao động thấm đẫm đam mê và sức mạnh - đã thực sự hấp dẫn thính giả. Bản giao hưởng hay concerto hoặc sonata... đều mang dấu ấn thiên tài. Thời thơ ấu Cuộc đời của Beethoven (Ludwig van Beethoven) là một chuỗi liên tiếp rủi ro, bất hạnh.

Ông sinh tại Bonn ngày 17/12/1770, là con trai của một ca sĩ chẳng mấy tiếng tăm. Cha ông - một người đàn ông nghiện ngập đã "giúp" Beethoven "học nhạc" bằng những cuộc rượu thâu đêm và bắt con trai chơi đàn mua vui cho bạn nhậu. Mặc dù phải ép chơi nhạc trong nỗi sợ hãi và ghê tởm, nhưng cũng nhờ thế, mà từ rất sớm, Beethoven đã hình thành được "sự nhạy cảm" và khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế. chính trong những buổi dạy với đòn roi, la hét của cha, cậu bé Ludwig đã sớm thể hiện tài năng lớn. Năm 7 tuổi, cậu bắt đầu xuất hiện trước công chúng. Hơn một năm sau, nhà soạn nhạc Christian Gottlob Neefe nhận cậu làm học trò của mình. Năng khiếu và sự miệt mài học tập khiến Ludwig tiến bộ rất nhanh chóng. Ch. G. Neefe giới thiệu Beethoven với Bach và Mozart. Năm 1787, Beethoven tới Vienna, một trung tâm âm nhạc thời bấy giờ. Ông đã tìm được Count Waldstein - thày dạy, sau này vừa làm bạn lại vừa làm người bảo trợ cho Beethoven. Chính diện mạo của Beethoven đã khiến Waldstein bị thuyết phục. Dáng người thấp đậm, cục mịch vụng về; mái tóc đen cứng; khuôn mặt lúc nào cũng khó đăm đăm... Cũng tại Vienna, Beethoven gặp Mozart - một mẫu hình trái ngược hẳn với ông. Mozart đã rất nghi ngại khi nhận cậu bé Ludwig vào làm việc, nhưng chỉ một lần duy nhất, khi nghe tiếng đàn piano của Beethoven, Mozart đã phải thốt lên: "Hãy chú ý tới cậu bé này, chỉ không lâu nữa, cậu bé sẽ khiến cả thế giới nói về mình". Cái chết của mẹ Beethoven vào mùa hè năm 1787 đã mang ông trở lại Bonn. Thành danh Beethoven năm 1818 Sau khi mẹ qua đời, Beethoven cùng chị gái phải làm việc cật lực để kiếm sống. Bốn năm hết lòng vì gia đình, Ludwig đã có nhiều người bạn tốt như Stephan von Breuning và Franz Wegeler (một trong những người đầu tiên viết nên dòng tiểu sử Beethoven). Tháng 7/1792 nhà soạn nhạc nổi tiếng Haydn dừng chân tại Bonn trên đường đi tới Vienna. Ông đã gặp Beethoven và cảm nhận rằng tài năng của chàng thanh niên ấy cần được "kiểm soát" trước khiphát triển xa hơn. Đầu tháng 11, Beethoven rời Bonn đến Vienna để học sáng tác cùng Haydn. Tuy nhiên, hy vọng "kiểm soát" được Beethoven của Haydn đã tắt ngấm. Ông không thể cưỡng lại được bước nhảy vọt của chàng thanh niên khắc khổ. Xung đột chính trị, những thay đổi trong xã hội châu Âu (đặc biệt là cuộc Cách mạng Pháp) đã tác động lớn tới âm nhạc của Beethoven. Sau khi nhận ra rằng, Haydn thực sự không phải là mẫu hình mình tìm kiếm, Beethoven tìm đến Albrechtsberger - một nghệ sĩ danh tiếng luôn gọi Beethoven là: "kẻ mang tư tưởng âm nhạc quá khích". Beethoven đã phải trải qua những ngày sống khó khăn khi mới tới Vienna. Cơ hội không sắp sẵn, hy vọng dần dần phụt tắt. Sự khao khát được sống bình đẳng như thiêu đốt ông, thiêu đốt cuộc sống tù túng chật hẹp trong căn xép nhỏ bé ở khu biệt thự của Hoàng tử Lichnowsky. Thời gian này, ở Vienna, cuộc cạnh tranh giữa những nghệ sĩ piano trở nên gay gắt, ai cũng muốn giành nhiều người hâm mộ, muốn hình ảnh của mình luôn luôn thay đổi - tươi mới trong mắt khán giả. Cuộc chiến khiến họ mệt mỏi, kèn cựa lẫn nhau. Càng có nhiều đối thủ, Beethoven lại càng thu hút được số đông tầng lớp quý tộc đến với âm nhạc của mình. Tên tuổi của ông bắt đầu lan rộng. Beethoven bận rộn túi bụi với những buổi biểu diễn tại Vienna, Berlin, Prague và nhiều trung tâm văn hoá khác ở châu Âu. Tình hình tài chính của Beethoven theo đó cũng được cải thiện, ông đã có một căn hộ riêng. Ông là một trong những nhà soạn nhạc đầu tiên tự do lựa chọn buổi biểu diễn, cũng là người tiên phong trong hoạt động chống lại sự "kiểm soát nhạc sĩ" của những vị bảo trợ. Tuy nhiên, vào độ tuổi 20-30, phần lớn Beethoven thiên về chơi piano hơn là soạn nhạc. Đau đớn thay, khi ông cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên của chứng khiếm thính thì tài năng soạn nhạc mới được thể hiện. Những bản nhạc giao hưởng ra đời, công chúng ngưỡng mộ và "nghiêng mình" thán phục tài năng, cậu bé cực khổ năm nào thực sự "bắt cả thế giới nhắc đến tên mình" còn Beethoven thì âm thầm mang nỗi đau không thể cảm thụ âm nhạc bằng đôi tai tạo hoá sinh ra. Ngày 2/4/1800 Beethoven giới thiệu bản giao hưởng đầu tiên. Một năm sau (1801), thiên tài nhạc cổ điển bắt đầu phải sống trong thế giới "vô thanh". Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Beethoven từ giã "nghệ sĩ chơi piano bậc thầy" khi bắt đầu cảm nhận dấu hiệu của chứng khiếm thính. Trong một bức thư gửi người bạn Karl Ameda ngày 1/7/1801, ông đã viết: Tôi ước ao biết bao bạn ở đây lúc này, để dành cho Beethoven của bạn vài giây phút trong khoảnh khắc cuộc đời khốn khổ. Đấng Tạo hoá đã sơ sẩy và gây ra một rủi ro cho đời tôi.... Đôi tai tôi, hình như đã khó nghe lắm. Có lẽ, Beethoven đã biết điều bất hạnh ấy trước đó ba năm, ông bắt đầu xa rời bạn bè, sống thu mình. Nhiều người quanh ông cho rằng, ông có quá nhiều mối quan tâm khác hoặc lơ đãng với họ. Trong một bức thư gửi tới Wegeler, ông viết: Làm sao, làm sao tôi là một nhạc sĩ, lại có thể nói với mọi người rằng "tôi bị lãng tai"? Tôi sẽ làm thế nếu tôi có thể vượt qua định mệnh? Nhiều nhạc sĩ có thể đã nghĩ tới con đường kết thúc cuộc đời, và Beethoven cũng có thể đã tính tới điều đó. Nhưng sự kiên cường vươn lên trong đời, sự đam mê âm nhạc đã thôi thúc ông, đã buộc ông hướng tới tương lai và coi điều bất hạnh của mình như một động lực để sáng tác. Bức thư gửi Wegeler (viết 5 tháng sau), một Beethoven bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống lại số phận đã khiến chính bạn ông phải kinh ngạc. Ông nói, việc ông bị điếc là thách thức lớn với ông, và ông nhất định chiến thắng. Tôi đã thoát khỏi nỗi u buồn và tôi sẽ là một người đàn ông chín chắn, thiết tha với cuộc sống. Bạn có thể nghĩ tôi đang cố tỏ ra hạnh phúc trong điều bất hạnh. Không! Tôi không cam chịu. Cuộc đời này đẹp lắm và tôi có hàng nghìn lý do để sống. Năm 1802, bác sĩ khuyên ông đến Heiligenstadt, ngôi làng vùng ngoại ô Vienna với hy vọng sống trong khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh sẽ cải thiện khả năng nghe của ông. Môi trường mới đánh thức trong Beethoven tình yêu thiên nhiên và làng quê, hy vọng - lạc quan - yêu đời trở lại tâm hồn ông. Beethoven mê say với những cánh đồng trải dài đầy nắng, hàng cây xanh thướt tha trong chiều hoàng hôn. Và.. bản giao hưởng số 2 ra đời. Mùa thu năm đó, đột nhiên sức khoẻ của ông giảm sút, thậm chí Beethoven còn nghĩ rằng, ông không thể qua nổi ngày đông giá buốt, Beethoven đã viết Chúc thư Heiligenstadt. Có những người nói tôi là cố chấp, bướng bỉnh. Đó là họ không hiểu tôi. Trái tim tôi, tâm hồn tôi từ lúc còn nhỏ đã biết và luôn sẵn sàng đón nhận sự thân thiện, hoà nhã. Và tôi háo hức thể hiện điều ấy. Nhưng 6 năm ròng, niềm hy vọng lụi tàn theo bệnh tật, khốn khổ... Tôi tự cô lập chính tôi. Tôi bị hiểu lầm, bị thoái thác bởi tôi không thể nói với mọi người: "Nói lớn lên, hét lên đi! vì tôi điếc"... Tôi không muốn đối mặt với thần chết. Hãy tới đi, tôi sẵn sàng chờ tử thần với lòng dũng cảm... Từ giã Heiligenstadt Trở về sau kỳ nghỉ ở Heiligenstadt, âm nhạc của Beethoven đã trở nên sâu hơn, quyến rũ hơn. Ông bắt đầu sáng tạo nên một thế giới âm nhạc mới. Mùa hè năm 1803, ông viết bản giao hưởng số 3 - 'Eroica'. Bản giao hưởng này đã hoàn toàn phá bỏ mọi chuẩn mực viết nhạc giao hưởng từ trước, nó tạo nên cách nhìn nhận, cách cảm thụ hoàn toàn mới mẻ. Beethoven xem đó là thành công lớn nhất sau thời gian dài lao động miệt mài. Stephan von Breuning - người ở chung nhà với Beethoven đã vỗ tay như "sấm dậy" khi mới nghe được nửa bản giao hưởng 'Eroica'. 5 năm tiếp theo ở Vienna (1804-1808), cuộc sống của Beethoven có thể mô tả như một trạng thái đơn điệu, buồn tẻ. Tình bạn rạn nứt, âm nhạc thì trưởng thành hơn, và phần lớn thời gian của ông dành cho việc theo đuổi một người phụ nữ mà cả cuộc đời ông không tới được. Các bản giao hưởng số 5 và 6 được hoàn thành vào mùa hè năm 1808. Bản số 6 (Pastoral) là bức hoạ mô tả sinh động cuộc sống tươi đẹp ở vùng ngoại ô Heilingenstadt. Tháng 7/1812 Beethoven viết thư cho người phụ nữ không tên và ghi rằng: "Tình yêu bất diệt" (Immortal Beloved). Nhưng bức thư không được gửi, sau khi Beethoven qua đời, người ta đã tìm thấy trong hộc tủ bí mật của ông. Casper Carl - em trai Beethoven qua đời tháng 11/1815. Ông trở thành người bảo trợ cho cháu trai 9 tuổi Karl tới năm 1820. Bản giao hưởng số 9 ra đời năm 1823, cũng là thời gian Beethoven hoàn toàn không thể nghe được nữa. Những ngày cuối cùng Mùa thu năm 1826, Beethoven đi nghỉ cùng Karl (cháu trai) tại Gneixendorf. Thiên tài nhạc cổ điển dường như cảm nhận thời khắc cuối đời. Vào lúc 5:30 sáng, ông đã ngồi bên bàn, giành giật từng giây chạy đua với tử thần để sáng tác. Sau bữa sáng, ông vội vã đi ra những cánh đồng, và đi rất chậm rãi, miệng lẩm nhẩm, cánh tay đưa lên xuống nhịp nhàng, rồi lại đột nhiên dừng lại, lúi húi ghi chép vào cuốn sổ tay. Đầu tháng 12, Beethoven trở lại Vienna, bệnh viêm phổi đã lui dần sau những ngày nghỉ. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông phải nằm liệt giường vì mắc chứng xơ gan, thậm chí người ta đã nghĩ ông qua đời ngay lúc đó, vì toàn thân Beethoven phù nề đáng sợ. Đầu tháng Ba năm sau, sức khoẻ của ông suy sụp nghiêm trọng. Ngày cuối cùng của Beethoven sau này được bạn ông kể lại là cuộc đấu tranh ghê gớm với bệnh tật.

 5:45 chiều ngày 26/3/1827, cơn bão lớn đột nhiên ập tới nơi ông ở, căn phòng của Beethoven ngập trong ánh chớp chói loà và những tiếng sấm rền vang. Beethoven mở mắt, ông giơ nắm tay phải lên cao, đầy vẻ hăm doạ. Rồi cánh tay rơi xuống, đôi mắt thiên tài khép lại. Một trái tim đã ngừng đập.

Đám tang của ông có tới hàng chục nghìn người tham dự, ông được chôn cất tại Wahring Cemetery. Năm 1888, hài cốt nhà soạn nhạc thiên tài được chuyển tới Zentral ( Vienna) - nơi an nghỉ dành riêng cho những nghệ sĩ vĩ đại.

 2. Về Sonate: Beethoven sáng tác bản Sonata cho piano số 14 năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Sau khi Beethoven qua đời vài năm, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc này được mọi người biết đến dưới cái tên "Sonata ánh trăng".

"Sonata ánh trăng" huyền ảo quá, và ngay cả sự ra đời của nó cũng có thật nhiều giai thoại. Sau đây là một giai thoại nổi tiếng về xuất xứ của bản nhạc bất hủ này. Năm 1801, Beethoven đang sống ở kinh đô âm nhạc thế giới là thành Vienna – thủ đô nước Áo. Để trang trải khó khăn trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc sáng tác, Beethoven còn dạy nhạc cho con gái các nhà quý tộc. Beethoven xấu trai nhưng mang một trái tim nghệ sĩ đa tình. Ông đem lòng yêu say đắm một học trò của mình là Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ dường như cũng biết được điều đó nhưng chỉ im lặng khiến Beethoven càng thêm hy vọng. Thế nhưng, tình cảm ấy của Beethoven đã bị cự tuyệt khi ông ngỏ lời với Giulietta dưới vòm hoa nhà nàng vào một buổi tối sau khi dạy xong.

Tuyệt vọng và đau đớn, đêm hôm đó Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng, Beetthoven như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng với nước sông Danube lấp lánh huyền ảo. Thành Vienna đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mảnh tình đơn phương đang đứng cô độc giữa đất trời thấm đẫm ánh trăng. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên xa vắng, tiếng đàn như hút hồn dẫn bước chân Beethoven đi một cách vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Ở đó chỉ có người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi dương cầm. Người cha đau khổ bảo Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất suốt cuộc đời là được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản dị ấy.

Xúc động trước tình cảm của người cha dành cho con gái và ngạc nhiên trước tiếng dương cầm thánh thót của người thiếu nữ mù, Beethoven ngồi vào cây đàn và bắt đầu chơi. Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng sông Danube. Dường như không còn cuộc sống vất vả với những lo toan thường nhật, không còn những mảnh đời đau khổ, những bi thương tuyệt vọng mà chỉ còn một thế giới huyền ảo, lung linh như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên trong ánh trăng, thấm đẫm trong ánh trăng, dạt dào trong ánh trăng, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng bứt ra khỏi lời nguyền của số phận.

                                                 (Sưu tầm - Đầu đề tôi thêm vào)

Mời thưởng thức:

Chương 1: https://youtu.be/wUJ5EfWocRE

Chương 2: https://youtu.be/qPzMzNT1oUw

Chương 3: https://youtu.be/bBwQRCYyqYk

Toàn tập: https://youtu.be/JnLFftTnSIY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét