Mùa xuân bình yên: Những thói quen thường gặp gây bệnh gout

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Những thói quen thường gặp gây bệnh gout

 

Người có lối sống không lành mạnh như ít vận động, ăn nhiều đạm động vật và đồ ngọt, uống nhiều rượu bia, dễ mắc bệnh gout.

Chỉ số axit uric trong máu bình thường ở nam giới là 210-420 umol/L và phụ nữ là 150-350 umol/L. Thận không thải được axit uric ra ngoài hoặc cơ thể tạo ra quá nhiều chất này dẫn đến bệnh gout.

ThS.BS Đồng Thị Thủy Quỳnh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chưa có phương pháp điều trị dứt điểm gout. Người có nguy cơ mắc bệnh cao nên phòng tránh và kiểm soát tốt bệnh từ sớm.

Một số thói quen sinh hoạt dưới đây tăng nguy cơ mắc gout hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.

Chế độ ăn không lành mạnh

Hải sản, thịt bò, nội tạng động vật... giàu purin. Khi vào cơ thể, purin chuyển hóa thành axit uric, nếu quá nhiều, thận không kịp đào thải hình thành tinh thể urat, dẫn đến bệnh gout.

Ăn thực phẩm nhiều đường fructose hoặc carbohydrate tinh chế như bánh kẹo, bánh mì trắng, bánh quy tăng nguy cơ mắc gout. Chúng không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng thấp, mà fructose làm tăng đáng kể lượng axit uric và trầm trọng bệnh.

Bác sĩ Thủy Quỳnh tư vấn sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh© Được VnExpress cung cấp

Bác sĩ Thúy Quỳnh cho biết chế độ dinh dưỡng thích hợp có thể giảm 15% nồng độ axit uric trong cơ thể. Để phòng ngừa gout, nên giảm thực phẩm giàu purin, hạn chế ăn ngọt; tăng cường rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, quả hạch, sữa ít béo, thịt trắng như thịt gà, cá.

Lạm dụng rượu bia, uống ít nước

Rượu bia và thức uống có cồn khác ức chế khả năng bài tiết axit uric của cơ thể, làm tăng axit uric máu và gây ra gout. Uống ít nước, nhịn đi tiểu, làm giảm đào thải loại axit này theo đường tiểu.

Hạn chế rượu bia, uống đủ nước, ưu tiên nước lọc và nước trái cây như nước ép thơm, cam, quýt, chanh, bưởi... giảm lắng đọng axit uric thành các tinh thể urat, phòng ngừa gout.


Người uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc bệnh gout. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp

Ít vận động

Người ít vận động dễ thừa cân và béo phì, làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Các tế bào chất béo sản xuất ra các protein cytokine gây viêm, tăng mức độ viêm toàn thân.

Để phòng ngừa gout, hạn chế tổn thương và thoái hóa khớp, nên vận động thường xuyên. Tuy nhiên, không tập luyện quá mức hoặc giảm cân đột ngột, tác động xấu đến sức khỏe. Các môn thể thao được khuyến nghị gồm đi bộ, bơi lội và đạp xe. Vận động ở cường độ vừa phải, 30 phút mỗi buổi, 5 ngày mỗi tuần.

Bác sĩ Thủy Quỳnh cho biết bên cạnh nguyên nhân về lối sống, gout có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý khác như bệnh đa hồng cầu, đau tủy xương... Nên khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường, nhất là khi đau nhức, sưng đỏ các khớp sau bữa ăn giàu protein hoặc uống nhiều bia rượu.

Độc giả có thắc mắc về bệnh cơ xương khớp gửi câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.

Phi Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét