BS Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Sau mỗi ca tử vong đột ngột
xảy đến, luôn để lại những câu hỏi thậm chí là những thắc mắc, nghi ngờ từ người
nhà bệnh nhân. Thực sự thì trong nhiều trường hợp, nhân viên y tế và các bác sỹ
cũng rất khó có câu trả lời xác đáng nếu như gia đình bệnh nhân không đồng ý
khám nghiệm pháp y. Người ra đi, đã đi mãi. Chúng ta, những người ở lại có nên
hành động vội vàng hay mọi người cần bình tĩnh đi tìm hiểu rõ ngọn nguồn câu
chuyện và nguyên nhân của cái chết, để từ đó có thể ngăn ngừa chúng trong tương
lai.
a/ Nguyên nhân
1.
Nguyên nhân tim mạch
Trong các nguyên nhân về tim mạch
nói cung thì do ngừng tim và nhồi máu cơ tim là nguyên nhân chính. Đây là
nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử. Mỗi năm có khoảng 326.000 bệnh nhân bị
ngưng tim tại Mỹ và chỉ có khoảng 10,8% sống sót, trong đó nam giới chiếm phần
lớn. Với nhồi máu cơ tim, chỉ tính tại Mỹ, cứ mỗi 43 giây lại có 1 người bị,
trong đó khoảng 1/5 các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng. Dữ liệu y tế
được tổng hợp từ hơn 190 quốc gia cho thấy, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử
vong số 1 trên toàn cầu với 17,3 triệu ca tử vong mỗi năm và dự kiến con số này
sẽ tăng lên hơn 23,6 triệu vào năm 2030.
Nguyên nhân gây ngừng tim thường
do bệnh cơ tim phì đại (là bệnh có yếu tố di truyền và đây là nguyên nhân hay gặp
nhất), bất thường động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, hội chứng
Brugada… Tổn thương ngừng tim hay xảy đến với các vận động viên thể thao lúc
đang thi đấu, đó là hiện tượng một vật tác động thẳng trực tiếp và đột ngột vào
thành ngực ngừng tim. Tổn thương gặp ở hầu hết nam giới tuổi thiếu niên, hiếm gặp
với người trên 20 tuổi.
2.
Tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là nhóm
nguyên nhân thứ hai dẫn đến cái chết đột ngột nhưng lại thường bị bỏ qua. Loại
này có 2 dạng: do nghẽn mạch máu não hoặc do vỡ mạch máu não. Đột quỵ nghẽn mạch
chiếm phần lớn (80%), thường có liên quan đến bệnh tim mạch và mỡ máu cao trong
khi đột quỵ; vỡ mạch máu thường do cao huyết áp không được kiểm soát và uống
nhiều rượu. Tai biến mạch máu não thường gặp ở người trên 60 tuổi, nam nhiều
hơn nữ, nhưng nếu xảy ra ở nữ, tiên lượng nặng hơn.
3.
Cục máu đông làm tắc mạch phổi
Cục máu đông xuất hiện ở động mạch
phổi làm tắc hệ thống mạch máu vào - ra ở phổi trong khi trao đổi khí dẫn đến
cơ thể thiếu ô xy đột ngột và tử vong. Hằng năm có khoảng 60.000-100.000 người
tử vong do tắc mạch phổi, trong đó đáng sợ hơn cả là có đến 25% chết bất thình
lình với 2 triệu chứng thường gặp là khó thở và đau ngực. Các cục máu sâu thường
hình thành khi chúng ta không hoạt động trong thời gian dài. Kết quả là, tắc mạch
phổi thường xảy đến ở những người nằm liệt giường vì một căn bệnh nghiêm trọng
hoặc chấn thương, hoặc những người đang hồi phục sau phẫu thuật. Nguy cơ này
cũng tăng lên đối với những người ngồi lâu không vận động trong các chuyến bay
đường dài hoặc các chuyến đi bằng ô tô.
4.
Vỡ động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất
trong cơ thể, bao gồm 1 đoạn chạy trong ngực và 1 đoạn chạy trong bụng, có nhiệm
vụ như dòng kênh lớn nhất giúp lưu chuyển máu đi khắp cơ thể. Vì một lý do nào
đó (tuổi già, bệnh mạn tính, nhiễm trùng, cao huyết áp…) làm thành mạch yếu đi,
phình ra, gây nên phình động mạch chủ. Một trong số đó vỡ sẽ gây nên bệnh cảnh
vỡ động mạch chủ, bệnh nhân mất máu rất nhanh và ồ ạt, 90% tử vong trong tích tắc.
Trên đây là 4 nhóm nguyên nhân
chính gây nên đột tử, trong gây mê hồi sức còn một nhóm nguyên nhân nữa đó chính
là sốc phản vệ và trào ngược dị vật vào đường thở. Với những bệnh cảnh ở trên,
chúng ta hầu như có rất ít thời gian để xử lý, hoặc nếu có thì những hậu quả,
di chứng để lại cho bệnh nhân cũng vô cùng nặng nề (sống thực vật, liệt nửa người,
khuyết hụt thần kinh khu trú…). Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng lối sống
lành mạnh và thực hành phòng bệnh, vì đó là yếu tố quyết định giúp ta hạn chế
được rủi ro đột tử bất cứ lúc nào.
b/ Cách phòng tránh
Với đột tử do ngừng tim, ngay cả ở
nước Mỹ thì việc sàng lọc và kiểm soát những người có nguy cơ bị ngừng tim cũng
vô cùng khó khăn và chưa hiệu quả. Vậy nên, dự phòng bằng cách giải quyết các
yêu tố nguy cơ chính là chìa khóa của vấn đề.
- Những rủi ro ngưng tim thường xảy
ra với người hút thuốc lá, dùng thuốc an thần lâu dài, bệnh tăng mỡ máu, bệnh
cao huyết áp và một số bệnh lý khác. Chúng ta cần kiểm soát tốt những vấn đề
này.
- Caffeine và nicotine đều có thể
làm tăng nhịp tim và làm trầm trọng thêm vấn đề rối loạn nhịp tim đã tồn tại bằng
cách làm cho tim đập nhanh hơn. Ngoài ra, thuốc bất hợp pháp như cocaine,
amphetamines và các chất kích thích khác có thể gây rối loạn nhịp tim ngay cả ở
những trái tim khỏe mạnh.
- Tiền sử gia đình có người thân
độ 1 (cha mẹ, con cái, anh chị em) từng bị ngừng tim hoặc tai biến mạch não
cũng rất vô cùng quan trọng. Vậy nên nếu ai có yếu tố liên quan này, cần tìm đến
bác sỹ chuyên khoa tim mạch.
Với tai biến mạch não, vỡ động mạch
chủ, những yếu tố dự phòng hàng đầu bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp, tiểu đường,
không thuốc lá và hạn chế uống rượu, bia.
- Điều trị tốt bệnh lý tim như
rung nhĩ, suy tim, bệnh mạch vành và chủ động khảo sát mạch máu não.
- Hạn chế lạm dụng thuốc ngừa
thai, thuốc điều chỉnh hoc môn sinh dục, thuốc giảm đau không kê đơn (Naproxen,
Ibuprofen…), tránh lối ăn nhiều dầu mỡ chiên rán và những thức ăn nhanh.
- Người chơi thể thao hoặc trong
cuộc sống hằng ngày thỉnh thoảng có đau ngực trái, tức ngực, hồi hộp đánh trống
ngực, xỉu… và tất cả người trên 65 tuổi nên chủ động đi khám tim mạch hàng năm.
- Thể thao đều đặn cũng là 1 yếu
tố vô cùng quan trọng, giúp trái tim và thành mạch thêm dẻo dai, đàn hồi, đồng
thời làm giảm lượng mỡ máu, mảng cholesterol thừa bám trong thành mạch.
- Cần lưu ý với những người đã từng
có tiền sử chấn thương ngực - bụng, nhiễm trùng, phẫu thuật tim, lịch sử gia
đình và di truyền… vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị phồng lóc và vỡ
động mạch chủ.
Với thuyên tắc mạch phổi, những
lưu ý dự phòng chính bao gồm:
- Phẫu thuật. Các phẫu thuật vùng
bụng, xương chậu, thay khớp gối, khớp háng và gãy xương lớn như xương đùi… luôn
có nguy cơ cao của thuyên tắc mạch phổi, đột tử. Người thầy thuốc cần thực hành
dự phòng huyết khối trong phác đồ điều trị.
- Lưu ý với bệnh nhân ung thư. Một
số bệnh ung thư có tác dụng làm quánh máu làm tăng nguy cơ hình thành máu cục
lang thang trong lòng mạch. Điều này đặc biệt đúng đối với ung thư vùng chậu -
bụng ở giai đoạn u tiến triển.
- Lưu ý với phụ nữ mang thai và
sinh con: có nguy cơ thuyên tắc phổi cao hơn cả trong và ngay sau khi sinh con,
đặc biệt đối với những người sinh mổ.
- Lưu ý với bệnh nhân nằm lâu sau
mổ gãy xương, sau chấn thương cột sống liệt tay chân… Những người này luôn có
nguy cơ cao tắc mạch phổi.
- Thuốc tránh thai, liệu pháp
hormone, hút thuốc lá, người trên 70 tuổi, béo phì hoặc lịch sử tắc mạch phổi…
cũng có nguy cơ cao bị tắc mạch phổi hơn những người khác.
Khi một bệnh nhân vào viện để điều
trị bệnh, đặc biệt là để mổ xẻ, phẫu thuật viên cùng với bác sỹ gây mê sẽ khám
xét cẩn thận, cho đi làm các xét nghiệm tối đa để vừa chẩn đoán bệnh chính phải
mổ, vừa để phát hiện và xử lý các bệnh lý kèm theo như dị ứng thuốc, cao huyết
áp, bệnh mạch vành, suy thận, tiểu đường, rối loạn nhịp tim… Có như vậy, chúng
ta mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro của phẫu thuật.
Về phía nhân viên y tế, ngoài việc
khám xét bệnh nhân cẩn thận, thực hành điều trị đúng phác đồ và chuyên môn thì
việc gặp gỡ gia đình và bệnh nhân trước mổ để giải thích tình trạng bệnh, các
nguy cơ của điều trị và phẫu thuật, những rủi ro có thể xảy đến với bệnh nhân
(cả khách quan và chủ quan) là điều cần thiết, để người nhà và bệnh nhân có sự
chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho những trường hợp điều trị thành công hay thất bại.
Đối với bệnh nhân và người nhà
cũng cần thấu hiểu một vấn đề rất quan trọng trong thực hành y khoa, đó là dù
nhân viên y tế có chuyên môn cũng như thực hành mổ xẻ cẩn thận đến đâu, thì những
tai biến, biến chứng vẫn luôn có thể xảy đến, trong đó có những ca tử vong rất
đột ngột đến từ những nguyên nhân nêu trên. Như một phẫu thuật viên nổi tiếng
người Mỹ từng nói “Nếu một phẫu thuật viên tuyên bố phẫu thuật không có tai biến,
biến chứng thì phẫu thuật viên đó một là nói dối hoặc anh ta chưa bao giờ đi mổ”.
Sau đây, kính mời độc giả nghe
chuyện vui ‘bỏ quên ví’, vui vẻ, xả stress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét