Mùa xuân bình yên: CHUYỆN LỚP TÔI

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

CHUYỆN LỚP TÔI

 Tựa: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày vào trường Đại Học Tổng Hợp (ĐHTH), vì dịch dã CoViD mà chúng tôi (K16 – Toán cơ ĐHTH- 1971-2021) không thể tụ tập, đàn đúm cùng nhau. Xin đưa bài viết kỷ niệm của bạn Vũ Duy Sơn, thành viên của lớp, về ký ức này:

 


 Tác giả Vũ Duy Sơn  ( Nick name Duy Sơn trong Facebook)

Duy Sơn Vũ

3 tháng 7 ·2019 (Tên có thể chỉ là chữ hoa viết tắt, và chỉ vui mà thôi, không mang màu sắc chính trị)

 (Viết tặng lớp k16 toán cơ ĐHTH đồng thời truyền cảm hứng yêu toán học cho lớp trẻ. Toán học, ông hoàng của các khoa học)

CHUYỆN LỚP TÔI  -  Phần 1

Năm 1971, tôi vào học k16 toán cơ ĐHTH Hà Nội. Thập niên đó học sinh trong trẻo ngây thơ không thực dụng như nay. Tưởng hay hoá dở, thiếu thực tế. cuộc sống đòi hỏi tính thực tế và hiệu quả như tụi Mẽo vẫn làm. Thực tế và thực dụng nội hàm khác nhau về bản chất. Kẻ thực dụng, để hình dung tôi mô tả: Vì cái lợi nhỏ bằng móng tay sẵn sàng trở giáo đâm sau lưng người hôm qua là bạn kể cả đồng chí (Đồng chí so sao được đồng tiền?). Nghe ai gọi tôi đồng chí, giật mình nghĩ: ” Mẹ kiếp. Mình và thằng khỉ gió này chung chí hướng khi nào vậy?”. Gặp đồng chí bắt tay xã giao thu tay về ngó, liệu còn đủ năm ngón. Khổ vậy, gặp đám này mạo muội khuyên: ”Cẩn thận không thừa”.

Lớp k16 toán cơ không quá lời có thể nói: ”Tập trung các chiến hữu học giỏi có tiếng tại trường phổ thông. Gần nửa lớp là dân chuyên toán, đông nhất chuyên toán Tổng hợp và Hà Nội”. Trong lớp có mấy tên đạt giải toán miền Bắc. Giờ này mấy tên đó là giáo sư các chuyên ngành trong lĩnh vực toán học. Hội lớp tôi vẫn đùa:” Biết học cùng tụi bay tao tránh cho lành. Phổ thông tao sao sáng vào đây thành đom đóm. Hẳn ra ngõ bước chân trái, đi thuyền gặp hôm ngược nước lại trái gió nên phải lộn lèo”. Mấy tên cười bởi rõ tính tôi: ”Ăn ngay nói thẳng, không ác ý. Sống chân thành tử tế với bạn bè”.

Lớp tôi có chục tên, duy trì hình thức “đảng cử dân bầu” hẳn không vô đại học. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu tổ chức thi đại học từ năm 1970. Ông là người hiểu rõ lời răn được khắc trong văn bia Quốc Tử Giám của Thân Nhân Trung: ”Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”. Đám vô sản lưu manh (cặn bã xã hội) có bổ sọ nhét chữ cũng không vô. Điểm thi mấy tên này cao chót vót, lằng nhằng mãi mớí được nhập học. Chủ nghĩa lý lịch thật khủng khiếp, đè nặng mỗi kiếp người. Xưa, Đào Duy Từ nhà con hát không được thi xứ đàng ngoài. Bỏ vào Nam phò chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đánh nhau với Lê – Trịnh cho bõ ghét. Vậy đấy.

Dân học toán thường lập dị và cao ngạo. Thuở trẻ đặc điểm này dễ nhận biết. U70 cả rồi, ra công tác hẳn được đời vùi dập “lên bờ xuống ruộng” thấu hiểu nhân tình thế thái nay nhần nhịn, khiêm nhường đã biết tự ẩn mình. Dẫu vậy, khi tranh luận bao giờ cũng rốt ráo, đi tới cùng sự vật. Làm bạn với tụi học toán, lưu ý chi tiết này. Đặc điểm và tố chất vậy nên xem thiên hạ cũng bình thường thôi, mà bình thường thật. Thống kê chỉ ra: trong triệu người may ra có một tài năng xuất chúng, tầm vĩ nhân hoạ chăng trăm năm có một người.

Chuyện yêu đương và đời thường đám này, lập dị khác người, nhiều khi gây xôn xao một góc Hà nội. Xin kể chuyện tôi góp nhặt sau mỗi lần hội lớp. Chuyện riêng tư nên gọi các nhân vật theo vần chữ cái. Người ngoài cứ vậy gọi, thành viên k16 sẽ hiểu. Vậy xin bắt đầu:

Lớp học chung hết năm thứ hai phân ra các ban tỉ như: phương trình vi phân, xác suất thống kê, lý thuyết số, cơ học… ớn nhất topo đại số. Tay A học lý thuyết số. Hắn có hẹn hò em khoa Sử. Tay này học toán nhưng mê thơ lục bát thi thoảng có làm. Thể thơ lục bát là đặc sản văn hoá Việt. Làm không khéo ra thơ cổ động ghép vần như ông Tố Hữu. Lục bát vỉa hè có:

Con bò có một cái u

Đàn ông một vợ còn ngu hơn bò.

Thơ đúng luật bằng trắc song ngô nghê ngớ ngẩn. Câu thơ hẳn bắt chước câu sau, có từ thời Bắc -Nam chia cắt "Trên rừng con khỉ đánh đu. Thằng Ngô Đình Diệm mút ..C.. cụ Hồ". Yêu nước kiểu này xem chừng vô văn hoá, không nên. Cái chi trên con người cụ đều bảo vật quốc gia chớ khoe không đúng chỗ.

Nghe xong thơ A, em chê thơ phường. Chán nản tâm sự với bạn, tụi bạn kêu: ”Mày nói về lý thuyết số. Thế nào cũng đổ”. Lần sau gặp nhau hắn nói: ”Em biết vì sao người ta kiêng số 13 không?” Em gái lắc đầu, được thể hắn nổ:” Trong số tự nhiên có:

Số nguyên tố (không chia cho ai ngoài một và chính nó chẳng hạn 1, 2, 3, 5, 7, 11, 13,…)

Số không đày đủ là số lớn hơn tổng các ước của nó ( chẳng hạn 8 lớn hơn 1+2+4=7)

Số giàu có là số nhỏ hơn tổng các ước của nó (chẳng hạn 12 nhỏ hơn 1+2+3+4+6=16)

Số hoàn hảo là số mà tổng các ước nguyên bằng chính nó. Bốn số hoàn hảo đầu là:

6=1+2+3

28= 1+2+3+4+5+6+7

496= 1+2+3+4+….+ 30+ 31

8128= 1+ 2+3+…+125+126+127

Số hoàn hảo còn có đặc điểm, nó là tổng của các số tự nhiên từ một cho đến một số nào đó.

Công thức tìm tên gọi Euclit_Euler là: 2^(n-1) (2^n-1); n là số nguyên tố, bốn số hoàn hảo đầu ứng với số nguyên tố 2,3,5,7. Theo quy nạp thì số hoàn hảo thứ năm phải ứng với số nguyên tố tiếp theo là mười một, nhưng không, số hoàn hảo thứ năm ứng với số nguyên tô 13:

2^12 (2^13-1) = 33550336.

Số 13 không may mắn vì đứng sau số giàu có 12 mà số này được quan niệm là số đẹp từ xưa. Một năm 12 tháng, Mười hai: giờ hoàng đạo, ngày giáng sinh, tông đồ chúa Jesus, bộ tộc Israel, sứ mệnh của Hercules. Dũng sĩ Hercules có 13 chiến công, do không đẹp nên các sử gia Hy Lạp giấu nhẹm. Cha này một đêm biến mười hai trinh nữ thành mười hai người đàn bà. Phục chưa, hơn vua Minh Mạng".

Cô em khoa sử thán phục thốt: ”Toán học kì thú thật”. Được đà A hăng hái: ”Trong vạn số tự nhiên đầu chỉ tìm được bốn số hoàn hảo như đã nói. Cái hay là trừ số 6, ba số còn lại đều là tổng của số lẻ lập phương:

28= 1^3+3^3

496= 1^3 + 3^3 + 5^3 + 7^3

8218= 1^3 + 3^3 + 5^3 + 7^3 +9^3 + 11^3 +13^3 +15^3

Bạn gái reo: ”Quá hay, tuyệt mỹ”. Thẹn thùng ngả vai A. Vậy là nên duyên vợ chồng. Ra trường cả hai về dạy cấp ba. Nghe nói cặp đôi này luyện thi đại học có tiếng… kiếm bộn tiền. Chồng toán khối A, vợ sử khối C. Niềm ao ước của nhiều cặp vợ chồng. Ai nói toán không thơ mộng, hẳn nhầm. Không những thơ mộng lại còn hiệu quả. Tôi nói có đúng không?

CHUYỆN LỚP TÔI - Phần 2

H hẳn dị nhân của lớp. Toán có ban Topo, ban này theo đuổi lĩnh vực mà giáo sư T có viết:" Quả cầu và hình lập phương khác nhau là thế mà các nhà Topo bảo nó như nhau. Tách cà phê, cái săm ô tô hay bất cứ vật gì chỉ có một lỗ họ bảo đều "the same". Tại sao họ lại "hâm" thế, hả Giời." (Kỷ yếu 40 năm lớp Toán-Cơ, Trang 157). Ngày xưa tôi liều mạng đọc nó... thú thực chả hiểu con mẹ gì cả. Bực mình thốt:

Thắc mắc làm chi to hay nhỏ

Đều cùng một lỗ ấy TOPO.

Bài học nhập môn Topo là bài toán về bảy chiếc cầu tại Koenigsberg do Euler đặt ra và chính ông đã chứng minh không thể đi hết thành phố mà không lặp lại ít nhất một lần con đường mình đã qua. Các bạn nhớ, thuở bé đố nhau vẽ bàn cờ bằng một nét liền. Chịu, không ai làm nổi. Hiểu một cách nôm na, Topo nghiên cứu đặc tính được bảo toàn qua sự biến dạng và sự kéo giãn, sự xoắn ngoại trừ việc xé rách và dán hình. Chính vậy, gọi vui Topo là "hình học của màng cao su". Theo đuổi ngành học khó vậy nên H có biệt danh "nghệt". Hẳn Newton khi táo rơi vô đầu cũng "nghệt" vậy. Định luật vạn vật hấp dẫn tìm ra khi ông đang "nghệt" đó. H tán gái (vợ H sau này, hoa khôi khoa Văn) hẳn tránh diễn giải về Topo như A nói về số. Topo dân toán còn hãi nói chi dân văn. H giỏi toán, văn chương chữ nghĩa bậc thượng thừa. Tóm lại phông văn hoá cao. Tôi vẫn trêu:

Giáo sư H thật đa tài

Đã thông kinh sử còn dài cán bơm.

Thi thoảng đọc trên Facebook bài tôi viết hắn góp ý chân thành xác đáng. Trên Kỷ yếu của lớp, H khẳng định nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương là nhà Topo đầu tiên Đại Việt (Trang 162-164). Nghĩ bụng: "Tán con gái khoa Văn, riêng bài này, em nào chả chết". Đám cưới H là đám ồn ã nhất Hà Nội, thành phố đang chìm trong đói khát, đau khổ. Kể đến đây thôi, thiên cơ bất khả lộ.

T con nhà gia thế, học giỏi đạt giải toán miền Bắc 1970. Thân sinh học Luật bên Hoa Kỳ. Năm 1945 nhiệt thành yêu nước về Việt Nam ủng hộ chính quyền cụ Hồ. Nhà nước công nông nào sử dụng, phần lớn trí thức từ châu Âu tư bản về được xem cây cảnh nhằm chứng tỏ chính phủ ta nhiều thành phần. Xong việc, họ bị loại bỏ. Mọi quyết sách do "đoàn thể" quyết định. Đảng cầm quyền khi đó rút vào bí mật (Ai không nhớ mời đọc Đôi mắt - Nam Cao). Năm 1952 Đảng ra công khai , nhiều nhân sỹ trí thức rời Việt Bắc về Hà Nội. Hẳn có lý do, họ chả ngốc đâu? Không những học giỏi T chơi Violin khá hay. Giỏi giang vậy thi chính trị quốc gia bị hỏng. Vụ này tôi tin do đố kỵ. T viết bài luận dài sáu mặt giấy, thông kim bác cổ sao sai được. Tìm hiểu, trong bài viết T trích câu thơ của Johann Wolfgang Von Goethe:

Mọi lý thuyết đều là màu xám

Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi.

Giai đoạn đó (1976) thế Lê Duẩn ghê gớm lắm, năm đó Chả bắt giới nhạc sỹ sáng tác Quốc ca. Hay chửa? Học thuyết "ba dòng thác cách mạng" rồi " làm chủ tập thể" đến Trần Đức Thảo còn vãi linh hồn. T mó dái ngựa hay vuốt râu hùm, sao không... dạy cho mày bài học. Dẫu vậy, trọng người tài khoa Toán bằng mọi cách giữ T ở lại trường. Chuyện hy hữu chưa từng có. Nay, giáo sư thủ lĩnh một thời bộ môn Xác suất thống kê. Bộ môn này có giáo sư D cùng lớp và là đảng viên duy nhất trong các giáo sư xuất thân K16. D nằm trong số thành viên K16 đi lính năm 1972. Phần lớn vào lính tên lửa và hải quân (tôi trong số này). D lính bộ binh, hành quân sáu tháng vô Nam. Vất vả rèn nó thành lãnh đạo, bù cho thời gian khó. Quy luật tổng không đổi, số hạng này lớn ắt số khác phải nhỏ. Nam Cao kêu:" Hạnh phúc như chiếc chăn hẹp" nghe có lý. Tụi tôi ngồi chém gió tổng kết: "Trẻ không hư già mất nết" cũng với nghĩa đó. Một chi tiết thú vị, hai giáo sư xác suất không "lô đề" thậm chí xổ số kiến thiết Thủ đô cũng không nốt. Vừa rồi mấy thằng Mẽo chơi xổ số tự chọn. Tụi nó chọn dãy mười hai số 0. Trúng độc đắc, chuyện hi hữu, triệu năm có một. Hỏi hai giáo sư, lắc đầu thốt: "Chúa mới giải đáp nổi".

Nhân vật nữa tôi muốn kể để thiên hạ rõ: "K16 anh tài hào kiệt mọi lĩnh vực". C lính hải quân cùng tôi, Giang, Hảo...Đang làm luận văn tốt nghiệp, C bỏ ngang xương bởi: "Đa đoan đèo bòng". Làm thằng đàn ông không lo cho vợ con là dạng vứt đi. Thập niên 1980 nghèo đói bủa vây đất nước, ông tướng này nói ra phát hãi. Chồng của năm bà vợ, bà nào cũng giấy kết hôn triện ủy ban đỏ chót. Năm bà đoàn kết thi đua làm kinh tế. Đến nay đời sống ổn định, khá dần lên. Trồng cây đến ngày ăn quả C không đợi được. Nó đi đã mấy năm, ngày giỗ 49 lớp có lên chia sẻ với gia đình tại Tuyên Quang. Nó năm vợ song không lừa đảo, gia cảnh các bà vợ rõ cả. Ngày mới hai vợ, ông hàng xóm vẫn gả con gái cho nó làm vợ ba. Thế có tài không? Nó đi sớm, không hiểu lý do gì? Câu hỏi này vẫn bỏ ngỏ, đáp án nhờ cậy mấy giáo sư của lớp K16.

Chuyện đã dài song chửa hết đâu, hẹn dịp khác. Lớp tôi, phần lớn không tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào. Các thành viên thấm một cách vô thức câu nói hay của nhà văn người Hung, Dery Tibov: " Vị trí của người trí thức là ở phe đối lập. Xã hội tốt lên nhờ phê phán chứ không phải ve vuốt nhau". Tôi gọi: thủ dâm, tự sướng. Kẻ có quyền lực thường lạm quyền, để khống chế kiểm soát nó không gì hơn là: TAM QUYỀN PHÂN LẬP.

CHUYỆN LỚP TÔI - Phần 3

Dân học toán thiên hạ rõ cả: lập dị, cao ngạo đến mức... bảo thủ. Lần hội lớp đã lâu tôi nói: "May tay đó không làm lãnh đạo. Nó lãnh tụ khéo toàn dân... học toán". Giáo sư T cười:  “Ôi giào, giờ này ai chả học Marx- Lenin rồi CNCS khoa học". Té ra tui nhầm, lãnh tụ ta mỗi bài đó, bất đi bất dịch, không để ý Liên Xô và các nước đông Âu sụp đổ. Con tôi bật TV nhìn một tay đang gợi ý nuôi con gì trồng cây gì, vội vàng chuyển kênh, kèm câu: "Vớ vẩn". Khoa học chỗ mô, học chi thứ vô bổ? Thế nào được gọi phân công xã hội, bài giảng nhập môn kinh tế học, mong bạn đọc lưu tâm? Những cái không cùng thứ nguyên sao so sánh. Vậy thôi.

Đọc bài tôi, Q trưởng ban liên lạc gợi ý tôi một vài nhân vật và sự việc "nổi tiếng" của lớp. Nhắc đến Q, dân chuyên toán Hải Dương nhiều điều lạ và hay đáo để. Q thông minh nhanh nhạy với thời cuộc, chu đáo với bạn bè. Giáo sư H nói với tôi: "Tao tiếc cho nó không chuyên tâm vào toán". Tôi hiểu ý H, lẽ ra Q phải phấn đấu hàm giáo sư. Vụt loé câu thơ Lý Bạch:

Nghĩ kỹ, lẽ đời nên thường lạc

Cần gì danh hão vướng vào thân.

Dẫu vậy, con đường Q chọn thiết thực và hiệu quả. Lần lớp lên thăm trang trại Tiên Sơn Trang của Q và H. Đánh chén tuý luý tôi nói nhỏ với mấy tướng:

Vợ đẹp, con khôn, vườn to tướng

Nhà cao, cửa rộng, núi lưng chừng.

(Để nhã tôi đã sửa tránh vần ồn thay cái tương tự)

Mấy ông rú lên vẻ khoái trá: "Kém bố con thằng nào. Mọi con đường đều đến Rome". Q là dân IT có tiếng giới công nghệ. Bàn bên chuyển sang đề tài lũ lụt. Một ông: "Sao con bé ngu vậy. Nó kêu dùng lu tránh ngập lụt, lũ lội". Tôi chêm vào: "Lu chứa cồn thôi (rượu đó)". Cả bọn: "LU chứa CỒN , đúng, đúng, chống sao lũ. Con bé này ngu theo gien cậu nó, tay Thể thu giá". Mấy bà con gái ngồi cùng đỏ mặt, dẫu nhà nào cũng dùng LU chứa CỒN.

Đ thi sỹ của lớp xứng danh đồ gàn xứ Nghệ." Mặc thiên hạ nói sao, tao thích tao cứ làm", đây lời Đ những lần hội lớp. Đều đặn trên Facebook K16 xuất hiện thơ Đ. Bình thơ Đ có lẽ hay nhất là Q:" Thơ càng đọc càng tức, loại thơ chưa từng có..."Bút Tre sống lại hẳn vái lạy thi sỹ Đ: "Chú hơn anh rồi đó". Tôi nghĩ cũng hình thức giải toả bí bức, giữ mãi sinh bệnh. Nhớ ngày Cụ thân sinh tôi nghỉ hưu (ba mươi năm có lẻ), Cụ cũng làm thơ. Làm xong Cụ bắt tôi ngồi nghe cho ý kiến (tra tấn nhau đến thế là cùng). Cụ đi, để lại gần tạ thơ. Thương cho các cụ tổ hưu dân phố, nơi tôi sống. Chẳng hiểu khi tán gái Đ có đọc thơ bạn gái nghe? Khi lấy vợ Đ giao hẹn không chính trị chính em, tập trung chuyên môn, dạy hay nhiều trò theo học, để cụ Hồ hay tổng thống Hoa Kỳ, càng tốt, năng thăm nhà mình. Hai vợ chồng dạy cấp ba Hà Tĩnh. Vợ vô Đảng sẽ hiệu phó hiệu trưởng chi đó theo quy trình. Đ nhất quyết không, cũng một khí chất. Con cái học hành tử tế nay công tác tại Hà Nội. Vợ chồng nghỉ hưu, mua chung cư tại Hà Nội. Phỏng vấn, tỉnh bơ hắn nói: "Không tin tụi bay. Tao ra giữ mả Cụ". Không đảng viên nói câu thể hiện kính lãnh tụ, trọng đồng hương. Mấy thằng Hà Nội tủi thân: "Không tin nhau đến thế là cùng".

K 16 tâm hồn thi sỹ tôi tiến cử V. Nó có số đào hoa, không trăng hoa nhé. Đào hoa trăng hoa khác nhau về chất, việc này giáo sư T đã bàn trong Kỷ yếu của lớp. Gần đây trong chuyến du lịch Nam Phi, một U80 trong đoàn say nắng một U50, nhờ V làm thơ tán gái. V làm và tôi đọc, nghĩ bụng: "Thằng ni không phụ tín nhiệm U80. Quá được". V cực đoan, nhà nó ai chuyện đảng đoàn nó lót lá dắt ra . Cụ thân sinh hiệu trưởng trường cấp ba Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Gia đình V bị hàm oan trong cải cách. Mọi ẩn ức hẳn từ đây.

Nhân vật tiếp, H con nhà gia giáo (giáo sư Hoàng Xuân Hãn họ hàng chi đó). H và tôi cùng đi lính 5/72 rồi cùng về học K20. Tụi tôi đùa:Lưu ban mấy năm. Thôi, rầu lòng vậy cầm lòng vậy". H lớp trưởng K20, có tiếng mẫu mực chuẩn chỉ. Tụi học sinh phổ thông K20 gặp H run như giẽ cũng bởi tính lêu lổng thời sinh viên. Lần vô tình nghe H nói:" Cha này chăn bò thì được sao chăn dân". Vụ đó, anh hùng Hồ Giáo trúng đại biểu quốc hội. Tôi nghĩ:" Nó cũng tâm trạng lắm". Giờ U70 cả rồi, H mềm mỏng nhuần nhị hơn, không quyết liệt như thời trẻ nữa. Đây nhận xét đám K20 về H, không phải tui. Học giỏi ở lại trường, vẫn tính quyết liệt lính tráng thêm chút gàn đồ Nghệ, kẻ đạo đức giả sợ H. Khoa động viên H vô đảng, H làm đơn có câu"....Tôi nhận thấy nhiều đảng viên tha hoá mất tư cách....Tôi xin vào góp phần làm trong sạch đội ngũ...". Chi bộ kêu sửa, H không chịu. Vậy là bỏ, chả đảng thì đừng. H có hai con trai hiện các cháu làm việc bên Nhật. Chẳng nói đâu xa, K16 có nhiều con cháu học rồi ở lại làm việc bên trời Âu đất Mỹ. Hẳn có lý do dẫu nhà nước cộng sản mời gọi, Nghĩ bụng: "Cao mưu. Học hành tử tế giỏi giang về nước làm chân sai vặt, pha trà châm thuốc cho lãnh đạo tầm cỡ mụ LON ả LU, họa điên". Cảm nhận của tôi về H là đúng. Gần đây nhất, lần lên Lạng Sơn thăm Thanh. Vui chuyện thêm chút cồn, H bộc bạch thập niên 80 H đã có ý tự sát vì bế tắc. Vượt qua khủng hoảng nay gia đình ổn thoả, hạnh phúc. Mừng cho H.

Bài viết xin dừng tại đây dẫu còn nhiều điều muốn trao đổi. Có bạn trên Facebook góp ý: "Đọc thích, song dài quá đâm ngại". Tản văn chém gió cho vui, đọc hay không tuỳ ý. Các cha mải đọc xã luận báo Nhân dân hay ngồi bia hơi Thu Hằng. Chả rõ. Mượn thơ Xuân Diệu nhắn rằng:

Nhà tôi hai bốn Cột Cờ

Ai thương thì đến, hững hờ... cho qua.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét