Mùa xuân bình yên: BÀN VỀ HẠNH PHÚC

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

BÀN VỀ HẠNH PHÚC

 1. HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là một khái niệm vừa thể hiện cách hiểu chung của xã hội, vừa là sự cảm nhận của mỗi người.

Hạnh phúc theo cách hiểu chung của xã hội thì nó là niềm vui sướng và sự mãn nguyện về một cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần và thành đạt của con người.

Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là một hiện thực "nhất thành bất biến". Bởi hạnh phúc nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, đó là môi trường sống và những yếu tố tác động của xã hội.

Hạnh phúc còn phụ thuộc vào thái độ, lời nói, hành vi, lối sống, cách sống của mỗi người.

Hạnh phúc và bất hạnh là hai mặt đối lập trong cuộc sống của con người. Hạnh phúc hay bất hạnh đều phụ thuộc vào số phận và cả sự "vô thường" mà con người không lường hết được. Ví như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hay tai nạn bất ngờ đều có thể khiến cho con người đang hạnh phúc trở nên bất hạnh. Thế cho nên hạnh phúc hay bất hạnh đối với cuộc sống của con người chúng ta mà nói, thì nó chỉ là một khái niệm, một ước lệ tương đối. Nói như thế cũng có nghĩa là sự tồn tại của mỗi chúng ta ở cái nơi trần tục này, chỉ có một thời gian nhất định mà thôi. Nhà Phật nói trần gian là cõi tạm; sống gửi thác về.

Quan niệm, nhận thức về hạnh phúc thông thường là:

*Hạnh phúc là khi ta được sinh ra ta là người khỏe mạnh, hoàn chỉnh về hình hài, đầy đủ cả lục căn.

*Hạnh phúc là khi ta được cha mẹ chăm nuôi cho đi học từ lớp vỡ lòng cho đến cao đẳng, đại học.

*Hạnh phúc là khi ta trưởng thành, bước chân vào đời rồi trở thành con người của xã hội và được nhà nước tuyển dụng để làm việc có ích cho xã hội.

*Hạnh phúc là khi ta hoàn thành nhiệm vụ, bổn phận, trách nhiệm được giao.

*Hạnh phúc là ta có một gia đình vợ chồng, con, cháu. Mặc dù đôi khi vợ chồng khắc khẩu, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và con cái cũng có chuyện nọ, chuyện kia không vui; nhưng gia đình vẫn được duy trì, được bảo tồn cho đến ngày vợ chồng đều già nua lão hóa.

*Hạnh phúc khi ta có những người anh em, bạn hữu gắn bó, chân tình, thủy chung, tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ, động viên giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

*Hạnh phúc là khi ta biết đủ, ta không lấy bất cứ thứ gì của thiên hạ để mang về nhà riêng của mình.

*Hạnh phúc là khi ta biết chia sẻ, biết cảm thông, tha thứ, biết buông bỏ và cho đi để giữ cho thân tâm đươc bình an, thanh thản.

*Hạnh phúc là không bon chen, không giành giật, gây thù, chuốc oán với ai; không sợ hãi, cúi đầu rụt cổ, nịnh bợ bất cứ ai.

*Hạnh phúc là khi ta tự nhận biết về bản thân (biết mình là ai), biết nâng niu giữ gìn sự tự do, tự chủ, tự lập, tự quyết của mình.

*Hạnh phúc là khi ta làm việc thiện, không ngừng hướng thiện, tránh ác, làm lành tránh dữ; không ngừng hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ ở đời

*Hạnh phúc là khi đầu óc ta được khai mở để đạt đến những cảnh giới của sự hiểu biết thông thái.

*Hạnh phúc là khi ta còn biết cảm nhận, biết thưởng thức những bài hát, bản nhạc, những quyển sách, bài thơ, những bức họa của các vĩ nhân, danh nhân, thi nhân, kỳ nhân trong nước và thế giới.

*Hạnh phúc là khi ta có cơ hội đi tham quan du lịch đó đây để chiêm ngưỡng, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, đời sống văn hóa, ẩm thực vùng miền và của các nước, các dân tộc trên thế giới.

*Hạnh phúc là ở chỗ ta có sức khỏe, có ý thức tự trọng, có lòng trắc ẩn, có khí phách và có tâm hồn hào sảng, lãng mạn để sống vui, sống có ý nghĩa với đời.

*Hạnh phúc là khi ta còn trẻ, ta đã cống hiến sức lực, xương máu cho đất nước và ta được sống đến cái tuổi mà con cháu tôn sưng là đại lão gia.

*Hạnh phúc là khi cha hay mẹ ta từ trần ở cái tuổi thượng thọ, có cả con, cháu, chắt tiễn đưa về thế giới bên kia.

*Hạnh phúc là khi ta biết trân trọng, biết tạo điều kiện cho người khác hạnh phúc; là khi ta coi hạnh phúc của người khác như hạnh phúc của mình.

Thực tế đã cho thấy những người tuy bị khuyết tật nhưng họ vẫn vui với đời sống thực tại của mình. Sự cảm nhận và vươn tới hạnh phúc không chỉ giúp cho họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; mà nó còn là một động lực để họ ham sống, cần sống. Được sống và sống làm người tử tế cũng là một hạnh phúc lớn.

Thực tế cũng còn cho thấy những kẻ tham lam ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm, vô ơn bạc bẽo tuy có thể lắm tiền nhiều của, nhưng thường gập rủi ro bất hạnh nhiều hơn là hạnh phúc. Thế mới biết hạnh phúc hay bất hạnh của đời người cũng không nằm ngoài sự chi phối của luật nhân - quả.

St Nguyen Manh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét