Trái cây cam quýt, cá, gạo lứt giàu omega-3, chất xơ hỗ trợ loại
bỏ độc tố, thúc đẩy tái tạo tế bào gan, góp phần đưa men gan về mức bình
thường.
Men gan là các enzyme trong tế bào gan, có vai trò là chất xúc
tác cho các quá trình tổng hợp và chuyển hóa chất dinh dưỡng, lọc bỏ độc tố
trong cơ thể.
Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh
viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các tế bào gan dễ bị phá vỡ do nhiễm
virus viêm gan, uống nhiều rượu bia, thuốc kháng viêm và giảm đau, chế độ ăn
uống không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng này khiến một lượng lớn men gan được
giải phóng khỏi tế bào, tăng cao trong máu.
Người bị men gan cao nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn
chế bia rượu, đường và chất béo, tránh ăn mặn. Một số thực phẩm giúp hạ men
gan, thúc đẩy quá trình tái tạo, tăng cường chức năng miễn dịch.
Trái cây họ cam quýt giàu vitamin C, có đặc tính chống oxy
hóa mạnh, góp phần bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương bởi gốc tự do. Dưỡng
chất này tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, hỗ trợ duy trì cấu trúc và
sự ổn định của gan, tái tạo, chữa lành các tế bào gan.
Chocolate đen với hàm lượng flavonoid và polyphenol
cao. Hai hợp chất hữu cơ này hoạt động như chất chống oxy hóa, có khả năng
trung hòa các phân tử phá hủy tế bào, ngăn chặn viêm nhiễm, tổn thương.
Flavonoid và polyphenol hỗ trợ chuyển hóa lipid ở gan, kháng insulin, ngăn ngừa
tình trạng viêm ở người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Theo chuyên viên Hòa, hai hợp chất này còn có tác dụng ngăn chặn
cholesterol xấu LDL không bị oxy hóa, giảm hàm lượng LDL-cholesterol xấu và
tăng nồng độ HDL- cholesterol tốt, giảm men gan.
Chocolate nguyên chất
tốt cho gan. Ảnh: Freepik© Được VnExpress cung cấp
Thực phẩm chứa nhiều
leucine, isoleucine và valine (gọi chung là chất đạm chuỗi nhánh - BCAA) như ức gà, thịt
thăn lợn, thịt bò nạc, các loại đậu, trứng, sữa. Chúng tham gia vào quá trình
chuyển hóa protein, chất béo ở gan, tăng sinh tế bào gan ở người mắc bệnh gan
không do rượu.
Thực phẩm giàu chất xơ giúp ích cho quá trình bài tiết chất
thải và độc tố có hại, kiểm soát lượng chất béo, đường hấp thụ trong cơ thể.
Nhờ đó làm giảm áp lực lên chức năng gan, kiểm soát tình trạng gan nhiễm
mỡ, hạ men gan.
Các loại rau họ cải như súp lơ, bắp cải, bông cải xanh, cải
chíp, cải bó xôi, cải ngồng... cung cấp chất xơ, vitamin C, folate dồi dào, hỗ
trợ bảo vệ gan khỏi các tổn thương do stress oxy hóa và gốc tự do. Các dưỡng
chất carotenoid và phytonutrient trong rau họ cải có tác dụng ức chế sự tích tụ
chất béo, trung hòa các độc tố có hại trong gan. Loại rau này còn chứa hàm
lượng cao hợp chất indole, hỗ trợ ngăn ngừa, cải thiện gan nhiễm mỡ.
Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu, bơ thực
vật, các loại hạt có đặc tính chống viêm, góp phần ngăn chặn chất béo tích tụ
trong gan, hạ thấp nồng độ men gan.
Ngũ cốc nguyên cám như yến mạch, các loại đậu, gạo lứt giàu
chất xơ, kích thích tiêu hóa, tăng tiết dịch mật, hỗ trợ cải thiện quá trình
tiêu hóa chất béo.
Tỏi và nghệ chứa nhiều vitamin C, có vai trò chống
lại quá trình oxy hóa tế bào tránh tổn thương tế bào gan. Khoáng chất selenium
trong tỏi làm tăng hoạt động của các chất chống oxy hóa, giải độc cho gan. Axit
amin arginine trong tỏi góp phần giảm cholesterol trong máu, kiểm soát rối loạn
chức năng gan. Hoạt chất curcumin trong củ nghệ với đặc tính chống viêm, sát
khuẩn, chống oxy hóa, kích thích bài tiết dịch mật, giải độc gan.
Chuyên viên Thúy Hòa cho biết thêm không phải trường hợp tăng
men gan nào cũng nguy hiểm. Tùy từng bệnh, chỉ số men gan tăng ở các mức độ
khác nhau. Men gan tăng gấp 1-2 lần là mức độ nhẹ, 2-5 lần là mức độ trung bình,
trên 5 lần so với mức bình thường sẽ nguy hiểm.
Ở người bệnh viêm gan A cấp tính, men gan có thể tăng, tuy nhiên
sau đó tự phục hồi, dần trở về bình thường. Một số trường hợp men gan cao có
thể do gan bị nhiễm độc nghiêm trọng, viêm gan B cấp, đợt cấp của viêm gan B mạn tính, viêm gan
C cấp hoặc mạn tính... Những trường hợp này cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán
sớm, theo dõi và điều trị phù hợp.
Trịnh Mai