Mùa xuân bình yên

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

TÁC DỤNG QUẢ ĐU ĐỦ: LỢI & HẠI

Tốt cho sức khỏe nhưng nhiều bệnh "kiêng ăn"

Đu đủ được coi là một trong những loại trái cây lành mạnh nhất, chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Một quả đu đủ nhỏ (khoảng 150g) có thể cung cấp: calo 59; protein 1g; carbohydrate 15g; chất xơ 3g; kali 11% nhu cầu dinh dưỡng cần trong 1 ngày (RDI); vitamin B9 14% RDI; vitamin A 33% RDI...

Ngoài ra, đu đủ còn chứa vitamin B1, B3, B5, K, E, carotenoids, enzyme papain, quercetin, flavonoid, zeaxanthin… Đặc biệt trong đu đủ lượng beta caroten, một tiền chất của vitamin A nhiều hơn trong các rau quả khác.

Khi chín, quả đu đủ có chứa 90% nước, 13% đường, không có tinh bột, nhiều caretenoid acid hữu cơ và các chất đạm chống oxy hóa nên có tác dụng tốt cho hệ thống tim mạch, có thể ngăn ngừa bệnh ung thư kết tràng...

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y dược TP.HCM, những người bị một số bệnh dưới đây đừng ăn đu đủ kẻo "hối không kịp":

- Người gặp vấn đề đường hô hấp: Đu đủ chứa enzym Papain, là chất gây dị ứng mạnh và do vậy có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn hô hấp. Những người bị những bệnh như sốt mùa cỏ khô, hen suyễn, hoặc bất kỳ trường hợp dị ứng nào, hãy cẩn thận khi ăn đu đủ. 

Đôi khi phấn hoa có thể dính lên vỏ đu đủ nên khi gọt đu đủ cần đeo găng tay. Vứt vỏ và găng tay vào thùng rác ngay sau khi gọt xong.

- Sỏi thận: Đu đủ có rất nhiều vitamin C, trong 100g đu đủ chứa 60,9mg vitamin C. Nhưng nếu bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận canxi oxalat hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.

- Hạ đường huyết: Những người bị hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp nên tránh ăn đu đủ, bởi ăn quá nhiều có thể dẫn đến các triệu chứng như run rẩy và tim đập nhanh.

- Những người tiêu hóa kém: Đu đủ là một chất nhuận tràng tuyệt vời và là một nguồn giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa. Nếu ăn quá nhiều có thể có tác động xấu đến dạ dày, dẫn đến tiêu chảy và đầy hơi.

- Suy giáp: Cyanogenic glycoside có trong đu đủ không chỉ ảnh hưởng đến nhịp tim mà còn có thể cản trở quá trình tổng hợp và chuyển hóa i ốt trong cơ thể và gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn ở những người bị suy giáp. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở những người ăn quá nhiều đu đủ.

- Suy gan: Người bệnh suy gan thường xuyên phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị. Đu đủ có tác dụng giúp phục hồi sau các tác động độc hại trên gan và giảm tổn thương cho cơ quan này. 

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đăng tải trên Healthline cũng đã đề cập rằng lá đu đủ có thể làm tăng nồng độ men GGT, ALP và bilirubin thường chỉ ra các bệnh gan đang hoạt động do xuất huyết và viêm. Vì vậy, tốt nhất những người bị suy gan nên tránh hoặc giảm ăn đu đủ. Nếu muốn ăn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

- Gây rối loạn dạ dày: Ăn quá nhiều đu đủ sẽ làm đảo lộn hệ tiêu hóa, có thể gây ra rối loạn dạ dày với các triệu chứng như là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng... Thủ phạm chính của các triệu chứng này là sự dồi dào của chất xơ và nhựa đu đủ có trong dạ dày khiến phải co bóp nhiều. Nó thậm chí còn kích thích dạ dày gây ra những trận nôn mửa.

Không ăn lúc bị tiêu chảy: Giống như tất cả các loại trái cây giàu chất xơ, đu đủ không an toàn nếu ăn quá nhiều trong giai đoạn bị tiêu chảy. Nguy hiểm hơn cả là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng.

- Phụ nữ có thai: Trong khi đu đủ chín được coi là an toàn và bổ dưỡng thì đu đủ xanh lại có thể làm tăng nguy cơ khiến tử cung bị co thắt do có nhựa. Nếu bà bầu ăn phải nhựa của đu đủ xanh, thai nhi có thể bị ảnh hưởng dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.

Ảnh minh họa© Được Tuổi trẻ cung cấp

Tránh tương tác với các thực phẩm "kỵ giơ"

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đu đủ là loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng nếu kết hợp sai cách, chúng có thể gây ra những tác động xấu đối với sức khỏe.

- Thêm chanh tạo ra độc tố: Thêm nước cốt chanh vào món nộm đu đủ sẽ có hại nhiều hơn lợi. Bởi chanh và đu đủ cùng nhau sẽ tạo ra độc tố có thể dẫn đến thiếu máu và mất cân bằng hemoglobin, gây nguy hiểm cho trẻ em cũng như người lớn. Vì vậy, nên tránh sự kết hợp này.

- Chớ ăn cùng sữa: Ăn các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, bơ hoặc sữa chua với đu đủ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và co thắt dạ dày. Đu đủ có chứa các enzym có thể làm rối loạn quá trình tiêu hóa các sản phẩm từ sữa này và gây khó chịu.

- Dưa chuột: Ăn dưa chuột với đu đủ có thể gây chướng bụng, đầy hơi, co thắt dạ dày và tiêu chảy, vì dưa chuột được biết là có hàm lượng nước cao và cuối cùng dẫn đến lượng nước dư thừa trong cơ thể.

- Cam quýt: Tiêu thụ trái cây họ cam quýt như cam, bưởi hoặc chanh với đu đủ có thể tạo ra vị chua và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Đu đủ và trái cây có múi chứa hàm lượng vitamin C cao và có thể dẫn đến trào ngược axit, ợ nóng và kích ứng dạ dày.

- Thức ăn cay: Tiêu thụ thực phẩm cay với đu đủ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như co thắt dạ dày, đầy hơi và tiêu chảy. Thực phẩm cay được biết là gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khi kết hợp với đu đủ, chúng có thể dẫn đến khó chịu về tiêu hóa.

- Nho: Nho kết hợp với đu đủ có thể gây ra axit và khí vì nho có tính axit cao. Tính axit cao của nho khi kết hợp với đu đủ có thể dẫn đến axit và kích ứng dạ dày.

Ăn đu đủ ngay sau khi vừa uống một số loại thuốc cũng gây nên tác dụng phụ, đặc biệt là thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi lỡ ăn đu đủ lúc sử dụng loại thuốc này.

Bởi đu đủ có chứa vitamin K và vitamin K có thể gây nguy hiểm cho người đang dùng thuốc chống đông. Vì thế, cần cân bằng giữa hàm lượng vitamin K ăn vào và liều lượng thuốc.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

HUYẾT ÁP CAO CẦN LƯU Ý

 Người huyết áp cao cần lưu ý gì để tránh nguy cơ tai biến mạch máu não

Câu chuyện của tác giả VÂN HI

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não. Huyết áp càng tăng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não càng cao, dễ dẫn đến đột quỵ.

Những hậu quả mà cao huyết áp và tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh là rất lớn. Vì vậy, việc phòng ngừa huyết áp cao và các biến chứng là rất quan trọng. Theo đó, người bệnh cần lưu ý những điểm sau để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp:

Kiểm soát huyết áp

Người bệnh nên chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp như thay đổi thói quen ăn uống, tăng cường vận động, giảm căng thẳng. Kiểm soát huyết áp nhằm đạt trị số huyết áp mục tiêu (dưới 140/90mmHg). Sử dụng thuốc hạ huyết áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều.

Nên lưu ý và đến gặp bác sĩ khi có những biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt (cảm giác quay), có hiện tượng quên, rối loạn cảm xúc (buồn giận thất thường...), rối loạn tâm lý, hiện tượng ruồi bay (nhìn thấy những điểm đen).

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bệnh nhân huyết áp cao nên khám sức khỏe thường xuyên, bao gồm kiểm tra huyết áp, lipid máu, lượng đường trong máu và các chỉ số khác, cũng như kiểm tra hình ảnh như điện tâm đồ và siêu âm, để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Người bệnh cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của bản thân. Ảnh minh họa: Nguyễn Ly© Được Lao Động cung cấp

Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu

Các thành phần trong thuốc lá và rượu bia đều làm tăng nguy cơ nhồi máu não ở bệnh nhân huyết áp cao. Do đó, người bệnh nên bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia để giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.

Chế độ ăn uống hợp lý

Bệnh nhân huyết áp cao nên tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất có trong rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu protein. Hạn chế ăn quá nhiều chất béo, muối, đường, đồng thời ăn ít thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao.

Tập thể dục hợp lý

Việc rèn luyện thể dục thể thao là một trong những cách giúp cải thiện sức khỏe, giúp người bị huyết áp cao kiểm soát cân nặng, và cải thiện chức năng tim phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân nên có chế độ tập thể dục phù hợp với sức khỏe bản thân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Duy trì sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu và có liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất. Do đó, bệnh nhân huyết áp cao nên chú ý giảm căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn đầu óc và duy trì thái độ lạc quan.

Ngoài ra, để phòng ngừa tai biến mạch máu não ở người huyết áp cao thì những khi thời tiết thay đổi đột ngột, lúc chuyển mùa, người bệnh nhất là đối với người cao tuổi không nên đi tiểu ngoài trời lạnh vào ban đêm, đề phòng tai biến. Đồng thời khi vừa hoạt động nặng hoặc đi dưới trời nắng về không nên tắm ngay, tránh sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột cũng như không nên bật dậy ngay ra khỏi giường khi mới tỉnh giấc.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Mối liên hệ bất ngờ giữa cà chua và đột quỵ

 Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi nguồn máu tới não bị cắt đột ngột. Có 2 dạng đột quỵ thường gặp là đột quỵ do xuất huyết não và đột quỵ do tắc mạch máu não.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ttoàn thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ, 5 triệu người tử vong và 5 triệu người chịu thương tật vĩnh viễn do đột quỵ.

Mặc dù vậy, đột ngụy có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Một nghiên cứu của Đại học miền Đông Phần Lan cho thấy, thường xuyên ăn cà chua có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ. Lycopene, một hợp chất chống oxy hóa trong cà chua, được cho là có thể mang lại tác dụng này.

Tiến sĩ Jouni Karppi, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết, kết quả của nghiên cứu càng khẳng định lợi ích của việc tăng cường trái cây, rau củ vào chế độ ăn để phòng tránh nguy cơ đột quỵ. Do đó, tốt hơn hết mọi người nên ăn nhiều hơn 5 phần trái cây, rau củ mỗi ngày.

Tiêu thụ cà chua và các sản phẩm từ cà chua có thể giúp phòng ngừa đột quỵ. (Ảnh: Getty)© Được VTC cung cấp

Cà chua giúp giảm 55% nguy cơ đột quỵ

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học theo dõi nồng độ lycopene trong máu của 1.031 nam giới có độ tuổi từ 46-65 ở Phần Lan. Trong suốt 12 năm theo dõi, 76 người bị đột quỵ.

Sau khi xem xét các yếu tố như tuổi tác, chỉ số khối cơ thể, thói quen hút thuốc, mức huyết áp và cholesterol, các nhà khoa học nhận thấy những người nồng độ lycopene trong máu cao nhất có nguy cơ thiếu máu cục bộ thấp hơn 59%. Nguy cơ mắc đột quỵ ở những người này cũng thấp hơn 55% so với nhóm mức lycopene thấp nhất.

Trong các thực phẩm chứa lycopene, cà chua đứng hàng đầu. Theo đó, lượng lycopene trong 100g cà chua khô là 45,9mg; trong cà chua xay nhuyễn là 21,8g. Trong khi đó, ở cùng 100g trọng lượng thực phẩm, lượng lycopene trong cà chua tươi chỉ là 3mg; ổi hồng 5,2mg; dưa hấu 4,5mg và quả đu đủ là 1,8mg.

Tác dụng khác của cà chua

Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Ngoài việc ngăn ngừa đột quỵ, lycopene trong cà chua còn giúp giảm lượng cholesterol có hại, chống viêm và chống oxy hóa. Vì thế, ăn cà chua thường xuyên có thể giúp bảo vệ mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, cuối cùng giúp hệ tim mạch khỏe mạnh hơn.

Lượng lycopene trong cà chua khô cao nhất. (Ảnh: Pinterest)© Được VTC cung cấp

Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Các nghiên cứu quan sát chứng minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà chua với việc giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư dạ dày.

Theo các nhà khoa học, nhờ nồng độ chất chống oxy hóa cao nên cà chua có thể mang lại lợi ích này.

Điều hòa huyết áp

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ. Nghiên cứu của Đại học miền Đông Phần Lan ở trên cũng cho thấy cà chua giúp giảm huyết áp nhờ chứa lượng kali dồi dào.

Theo Hiệp hội Huyết áp Anh, kali giúp điều tiết lượng chất lỏng trong cơ thể, ngăn ngừa việc tích tụ chất lỏng – một tình trạng gây tăng huyết áp.

Vì thế, ăn nhiều thực phẩm có chứa kali là cách đơn giản để cân bằng huyết áp, phòng ngừa đột quỵ.

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Khi nào cần mổ não do đột quỵ?

 Cần dùng thuốc kịp thời sẽ hồi phục, nhưng tại sao chú tôi gần đây đột quỵ phải phẫu thuật não? (Lê Hải, TP HCM)

Trả lời:

Có ba phương pháp cấp cứu và điều trị đột quỵ não gồm dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch và phẫu thuật. Mỗi phương pháp áp dụng cho các trường hợp khác nhau.

Thuốc tiêu sợi huyết áp dụng cho người bệnh đột quỵ nhồi máu não (do mạch máu não bị tắc nghẽn), được đưa đến bệnh viện trong "thời gian vàng", khoảng 3-4,5 giờ đầu. Một số trường hợp có thể lên đến 6 giờ đầu hoặc hơn.

Phương pháp can thiệp nội mạch lấy cục máu đông được bác sĩ chỉ định trong trường hợp người bệnh đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu lớn hoặc đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết nhưng không đạt hiệu quả tối ưu (do cục máu đông quá lớn).

Can thiệp nội mạch giúp loại bỏ cục máu đông, tái thông mạch máu đang tắc nghẽn. Đây là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả, áp dụng được trong 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ.

Phẫu thuật não được áp dụng chủ yếu trong trường hợp cấp cứu và điều trị cho người bệnh đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu não bị vỡ). Trường hợp chú của bạn nhiều khả năng đột quỵ xuất huyết não nên cần phẫu thuật để lấy khối máu tụ, giải áp nội sọ và cầm máu.

Trước đây, người bệnh thường chờ 12-24 giờ sau khi khởi phát cơn đột quỵ xuất huyết não mới được phẫu thuật nhằm tránh tái xuất huyết sau mổ.

Tuy nhiên, hướng dẫn mới của các tổ chức đột quỵ thế giới cho thấy khi khối máu tụ càng nằm lâu trong não thì mức độ chèn ép, tổn thương các mô não lành càng tăng. Khối máu tụ còn sinh ra các loại hóa chất trung gian khiến cho các tế bào não lân cận tổn thương nghiêm trọng hơn.

Do vậy, hiện nay, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cố gắng phẫu thuật điều trị cho người bệnh xuất huyết não càng sớm càng tốt, nhất là trong "thời gian vàng" khoảng 4-8 giờ đầu. Từ đó, giúp nâng cao khả năng phục hồi các chức năng thần kinh, giảm di chứng do đột quỵ gây ra.

Với tiến bộ của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều thiết bị, máy móc hiện đại được áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả phẫu thuật thần kinh nói chung và phẫu thuật điều trị đột quỵ xuất huyết não nói riêng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các trường hợp đột quỵ xuất huyết não được phẫu thuật bằng robot Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp hệ thống định vị dẫn đường thần kinh Neuro-Navigation ứng dụng AI thế hệ mới. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể nhận diện rõ, đánh giá chính xác các vùng chức năng trong não, mối tương quan giữa các bó sợi thần kinh với khối máu tụ, cấu trúc tổn thương cả trước, trong và sau mổ. Robot hỗ trợ bác sĩ mổ mô phỏng y như thật, chủ động chọn đường mổ, hướng tiếp cận vị trí khối máu tụ, cấu trúc tổn thương nhanh, đạt hiệu quả và an toàn nhất.

Phẫu thuật viên còn phối hợp với các bác sĩ gây mê, hồi sức để thực hiện phương pháp mổ não thức tỉnh, tức là người bệnh không cần gây mê toàn thân. Trong suốt quá trình mổ, người bệnh tỉnh táo, có thể tương tác, trò chuyện, cử động theo yêu cầu của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ kiểm soát mọi thao tác trong quá trình mổ, đảm bảo mức độ xâm lấn tối thiểu, tránh tổn thương cấu trúc lành, bảo tồn các chức năng thần kinh cho người bệnh.

Thời gian mổ thức tỉnh thường ngắn hơn mổ truyền thống, người bệnh không bị ảnh hưởng của thuốc gây mê, hạn chế biến chứng. Sau mổ, người bệnh nhanh phục hồi và sớm trở lại cuộc sống bình thường.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ

Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Rau diếp cá trị bệnh gì?

 Thiên nhiên quanh ta có rất nhiều vị thuốc quý cho sức khoẻ, trong đó không thể không kể đến rau diếp cá.

Rau diếp cá là loại thảo dược tính mát, tác dụng rất tốt với các bệnh đường tiêu hoá, các bệnh về phổi, giúp thanh lọc, thải độc.... Dưới đây là những tác dụng trị bệnh của rau diếp cá.

Thành phần dinh dưỡng của rau diếp cá

Cây diếp cá còn có tên là cây lá giấp, ngư tinh thảo. Tên khoa học của chúng là Houttuynia cordata Thumb, thuộc họ Lá giấp Saururaceae.

Cây diếp cá là loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ cây nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông.

Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, 4 lá bắc màu trắng. Trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như cây hoa đơn độc.

Toàn cây vỏ có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5, 8. Cây diếp cá mọc hoang ở khắp nơi ẩm thấp trong nước ta. Nhiều người thường hái về ăn với cá. Toàn cây hái về dùng tươi hay phơi khô hoặc sấy khô.

Trong cây chứa chừng 0,0049% tinh dầu và ít chất alkaloid gọi là cordalin. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là metylnonyxetol (có mùi rất khó chịu), chất myrcen, acid caprinic và laurinaldehyt.

Hoa và quả chứa chất isoquercitrin và không chứa quercitrin.

Rau diếp cá rất tốt cho sức khoẻ.© Được VTC cung cấp

Rau diếp cá trị bệnh gì?

Dưới đây là những tác dụng trị bệnh của rau diếp cá được khoa học chứng minh.

Diếp cá - vị thuốc quý hỗ trợ bệnh phổi

Bài viết của DS Đỗ Bảo trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, diếp cá tác dụng chống viêm, ức chế mạnh với nhiều loại vi khuẩn và virus cúm. Đặc biệt trong diếp cá còn chứa chất decanoyl acetaldehyde, là hoạt chất tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Dưới đây là một số bài thuốc từ rau diếp cá hỗ trợ tiêu viêm:

Hỗ trợ điều trị lao phổi, áp-xe phổi, viêm khí phế quản, ho sốt: Diếp cá 30g, lô căn 30g. Sắc uống thay trà. Có thể thêm đường cho dễ uống.

Hỗ trợ điều trị viêm khí phế quản, sốt ho nhiều đờm: Lá diếp cá 60g, lá tỳ bà 20g. Các vị trên ép lấy nước, thêm 100ml nước ép bí đao, chia uống trong ngày.

Hỗ trợ điều trị viêm phổi cấp, viêm đường tiết niệu, sốt, ho, tiểu rắt, tiểu buốt, nổi ban dị ứng: Diếp cá 30g, kim ngân hoa 15g, bạch mao căn 30g, liên kiều 15g. Sắc uống thay trà hàng ngày.

Chữa trĩ sưng đau: Diếp cá 50g nấu nước đặc, xông hậu môn. Nước nguội, còn hơi ấm dùng rửa sạch trĩ. Bã đắp vào nơi tổn thương, cố định bằng băng dính.

Chữa đơn sưng, cả người nóng sốt mẩn đỏ: Diếp cá, cỏ nhọ nồi, cải rừng, xương sông, dưa chuột, khế, đơn đỏ, huyết dụ, nhài, mía dò. Tất cả dùng lá, mỗi vị 15g; xích hoa xà 3 lá, bí đao 3 miếng, củ nâu 3 miếng. Tất cả giã nát, thêm nước, lọc lấy nước uống, bã xoa vào chỗ sưng đỏ.

Một số bài thuốc chữa bệnh khác từ rau diếp cá

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, ngoài chữa viêm phổi, rau diếp cá còn mang đến cho cơ thể người nhiều tác dụng rất lớn, từ tác dụng làm đẹp cho đến việc hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh khác nhau. Có thể kể đến như:

Trị mụn: Các chị em thường sử dụng rau diếp cá để điều trị mụn, bởi nó có công dụng giúp nốt mụn nhanh chóng bớt đau, sưng và giảm thiểu tình trạng mụn bị thâm đen. Việc trị mụn có thể ứng dụng bằng cách đắp mặt nạ hoặc uống nước rau diếp cá.

Trị bệnh tiểu đường: Lượng ethanol trong rau diếp cá, thành phần quan trọng chống lại bệnh tiểu đường, đồng thời có công năng kiểm soát lượng đường huyết ở cơ thể người.

Giúp ổn định cân nặng: Bên cạnh những công dụng nếu trên, nước ép từ rau diếp cá còn có khả năng ổn định cân nặng, thích hợp với những người béo phì đang ăn kiêng. Do đó, rau diếp cá mang đến công năng giảm mỡ thừa trên cơ thể cũng như cân nặng được kiểm soát hiệu quả.

Giúp lợi tiểu, thải độc: Những bệnh nhân bị tiểu buốt, tiểu rắt nên thường xuyên ăn rau diếp cá để lợi tiểu. Từ tác dụng lợi tiểu, loại thực phẩm này còn hỗ cơ thể thải trừ độc tố, thanh lọc.

Tăng sức đề kháng: Một trong những cách tuyệt vời để giúp hệ miễn dịch được tăng cường khỏe mạnh là ăn rau diếp cá khoa học. Bên cạnh đó, loại rau này còn giúp kích thích tế bào bạch huyết hình thành, từ đó giúp sức đề kháng được tăng cường và giúp con người luôn khỏe mạnh.

Trên đây là những tác dụng trị bệnh của rau diếp cá. Bạn đừng bỏ qua tác dụng tuyệt vời của loại rau này đối với sức khoẻ nhé.

 

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Tác hại của rau diếp cá nếu dùng sai cách

 Diếp cá không chỉ là rau thơm mà còn được xếp vào nhóm dược liệu đông y chữa bệnh. Thế nhưng nếu không biết cách sử dụng đúng, bạn sẽ dễ dàng gặp phải tác hại của rau diếp cá. Dưới đây là một số tác hại của rau diếp cá nếu dùng sai cách.

Ảnh hưởng xấu đến thận

Rau diếp cá vốn có tính hàn, tác dụng lợi tiểu. Việc ăn/uống quá nhiều rau diếp cá sẽ tác động tiêu cực tới chức năng của thận, khiến thận phải chịu nhiều áp lực do quá trình bài tiết hoạt động mạnh mẽ. Vì vậy, hãy sử dụng rau diếp cá với lượng vừa đủ và tần suất hợp lý. 

Bị hoa mắt chóng mặt

Hoa mắt, chóng mặt là một trong những tác hại thường gặp nếu dùng rau diếp cá sai cách.

Nếu cơ thể người tiếp nhận lượng lớn khoáng chất từ rau diếp cá sẽ khiến quá trình đào thải nước cùng các chất điện giải diễn ra nhanh chóng, từ đó làm thể tích nước trong cơ thể sụt giảm và gây hạ huyết áp.

Diếp cá là thảo dược lành tính. (Ảnh minh hoạ)© Được VTC cung cấp

Tiêu chảy, lạnh bụng

Nếu sử dụng liều lượng hợp lý, rau diếp cá cho tác dụng trị táo bón, bệnh trĩ hiệu quả. Song điều đáng nói là loại rau này có thể gây ra tác hại đối với nhóm người có thể trạng hàn, mắc chứng tay chân lạnh như thường bị lạnh bụng, tiêu chảy.

Giảm khả năng hấp thu thực phẩm khác

Rau diếp cá hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng chỉ tập trung ăn rau diếp cá mà không ăn các loại thực phẩm khác sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, khiến bạn rơi vào trạng thái thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết. 

Lưu ý khi sử dụng rau diếp cá

Khi sử dụng rau diếp cá, bạn lưu ý những vấn đề sau:

- Phải rửa thật sạch và ngâm với nước muối loãng để khử trùng loại bỏ các vi khuẩn, giun sán.

- Không nên dùng rau diếp cá quá nhiều, một ngày bạn chỉ nên ăn hoặc uống 1 lượng rau diếp cá vừa đủ (20-40g diếp cá tươi).

- Hạn chế uống nước rau diếp cá khi bụng đói vì trong rau diếp cá chứa nhiều vitamin C sẽ làm cồn ruột và hại dạ dày.

- Những người bụng yếu, mang thể trạng hàn, hay bị lạnh chân tay, dễ lạnh bụng thì tránh uống nước rau diếp cá sau 10 giờ tối.

Trên đây là các tác hại của rau diếp cá và một số lưu ý cho bạn để phòng tránh và sử dụng đúng cách tốt cho sức khỏe.

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

CÁCH PHÂN BIỆT MẬT ONG THẬT GIẢ

 Mật ong thật có chứa thành phần khả năng kháng khuẩn, như một chất kháng sinh tự nhiên nên kiến rất sợ, còn loại pha chế từ đường thì ngược lại.

Làm sao để phân biệt mật ong thật - giả là vấn đề được nhiều người quan tâm khi thị trường xuất hiện nhiều loại được pha chế từ đường. Ngày 16/1, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nhìn chung có ba loại mật ong, như sau:

Mật ong rừng là mật do ong làm tổ và tạo mật tự nhiên, không có bất kỳ tác động nào của con người lên quá trình tạo mật. Tuy nhiên, mật ong này cực hiếm. Vì thế bạn cần cảnh giác với các quảng cáo rằng mật ong rừng, vì có thể là hàng giả.

Mật ong nuôi là mật của ong được con người nuôi, hiện có rất nhiều. Đa số mật được thu hoạch vào mùa hoa, có giá trị về mặt dinh dưỡng nhưng không tốt bằng mật ong rừng.

Mật ong giả được làm từ đường và một số phụ gia, hương liệu khác.

Mật ong giả về cơ bản không gây độc. Tuy nhiên vì nguyên liệu chủ yếu là đường nên sử dụng quá nhiều trong thời gian dài không tốt sức khỏe. Mật ong giả không thể có được những đặc tính như mật ong tự nhiên, cụ thể là khả năng kháng khuẩn.

Có thể phân biệt thật - giả bằng hai cách sau:

Cách 1: Dùng một tờ giấy, tốt nhất là giấy chống thấm, nhỏ lên giấy một giọt mật ong to. Sau đó để tờ giấy có mật ong ở khu vực có kiến để xem phản ứng. Nếu kiến bu đến thì đó là mật ong giả, còn kiến không dám vào là mật ong thật. Lý do: Thành phần của mật ong thật giống như chất kháng sinh tự nhiên, vì thế kiến rất sợ.

Cách 2: Lấy một bát nước lạnh, dùng ống hút nhúng một đầu vào mật ong, rồi nhỏ giọt mật ong xuống bát nước. Mật ong thật sẽ không tan trong nước, còn mật ong giả được làm từ đường nên tan dần và sẽ loãng ra nước. Khi lấy mật, lưu ý hút ít và nhỏ giọt vào nước, nếu bạn lấy nhiều mật sẽ không kịp tan vào nước và rất khó phát hiện thật giả.

Mật ong được coi là siêu thực phẩm, nhiều giá trị dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Sử dụng mật ong thường xuyên rất tốt cho cơ thể, nhưng không nên dùng quá nhiều, chỉ cần khoảng 5 ml/ngày với người khỏe mạnh.

Thúy Quỳnh