Mùa xuân bình yên: Khi nào cần mổ não do đột quỵ?

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Khi nào cần mổ não do đột quỵ?

 Cần dùng thuốc kịp thời sẽ hồi phục, nhưng tại sao chú tôi gần đây đột quỵ phải phẫu thuật não? (Lê Hải, TP HCM)

Trả lời:

Có ba phương pháp cấp cứu và điều trị đột quỵ não gồm dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch và phẫu thuật. Mỗi phương pháp áp dụng cho các trường hợp khác nhau.

Thuốc tiêu sợi huyết áp dụng cho người bệnh đột quỵ nhồi máu não (do mạch máu não bị tắc nghẽn), được đưa đến bệnh viện trong "thời gian vàng", khoảng 3-4,5 giờ đầu. Một số trường hợp có thể lên đến 6 giờ đầu hoặc hơn.

Phương pháp can thiệp nội mạch lấy cục máu đông được bác sĩ chỉ định trong trường hợp người bệnh đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu lớn hoặc đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết nhưng không đạt hiệu quả tối ưu (do cục máu đông quá lớn).

Can thiệp nội mạch giúp loại bỏ cục máu đông, tái thông mạch máu đang tắc nghẽn. Đây là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả, áp dụng được trong 24 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ.

Phẫu thuật não được áp dụng chủ yếu trong trường hợp cấp cứu và điều trị cho người bệnh đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu não bị vỡ). Trường hợp chú của bạn nhiều khả năng đột quỵ xuất huyết não nên cần phẫu thuật để lấy khối máu tụ, giải áp nội sọ và cầm máu.

Trước đây, người bệnh thường chờ 12-24 giờ sau khi khởi phát cơn đột quỵ xuất huyết não mới được phẫu thuật nhằm tránh tái xuất huyết sau mổ.

Tuy nhiên, hướng dẫn mới của các tổ chức đột quỵ thế giới cho thấy khi khối máu tụ càng nằm lâu trong não thì mức độ chèn ép, tổn thương các mô não lành càng tăng. Khối máu tụ còn sinh ra các loại hóa chất trung gian khiến cho các tế bào não lân cận tổn thương nghiêm trọng hơn.

Do vậy, hiện nay, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cố gắng phẫu thuật điều trị cho người bệnh xuất huyết não càng sớm càng tốt, nhất là trong "thời gian vàng" khoảng 4-8 giờ đầu. Từ đó, giúp nâng cao khả năng phục hồi các chức năng thần kinh, giảm di chứng do đột quỵ gây ra.

Với tiến bộ của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều thiết bị, máy móc hiện đại được áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả phẫu thuật thần kinh nói chung và phẫu thuật điều trị đột quỵ xuất huyết não nói riêng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các trường hợp đột quỵ xuất huyết não được phẫu thuật bằng robot Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp hệ thống định vị dẫn đường thần kinh Neuro-Navigation ứng dụng AI thế hệ mới. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể nhận diện rõ, đánh giá chính xác các vùng chức năng trong não, mối tương quan giữa các bó sợi thần kinh với khối máu tụ, cấu trúc tổn thương cả trước, trong và sau mổ. Robot hỗ trợ bác sĩ mổ mô phỏng y như thật, chủ động chọn đường mổ, hướng tiếp cận vị trí khối máu tụ, cấu trúc tổn thương nhanh, đạt hiệu quả và an toàn nhất.

Phẫu thuật viên còn phối hợp với các bác sĩ gây mê, hồi sức để thực hiện phương pháp mổ não thức tỉnh, tức là người bệnh không cần gây mê toàn thân. Trong suốt quá trình mổ, người bệnh tỉnh táo, có thể tương tác, trò chuyện, cử động theo yêu cầu của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ kiểm soát mọi thao tác trong quá trình mổ, đảm bảo mức độ xâm lấn tối thiểu, tránh tổn thương cấu trúc lành, bảo tồn các chức năng thần kinh cho người bệnh.

Thời gian mổ thức tỉnh thường ngắn hơn mổ truyền thống, người bệnh không bị ảnh hưởng của thuốc gây mê, hạn chế biến chứng. Sau mổ, người bệnh nhanh phục hồi và sớm trở lại cuộc sống bình thường.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ

Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét