Mùa xuân bình yên

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

4. CÂY RAU NGỔ

 Rau ngổ mang lại một số lợi ích cho cơ thể như:

  • Thanh nhiệt;  Giải độc;
  • Trừ viêm;       Chống sưng;
  • Tiêu thũng;    Giảm đau;
  • Chỉ khái;        Sát trùng đường ruột;
  • Lợi tiểu;         Chống lão hóa;
  • Kháng khuẩn; Ngăn ngừa ung thư;
  • Trị sỏi thận;   Giảm sốt nóng;
  • Giảm viêm kết mạc;
  • Cải thiện những cơn đau thắt bụng; Giảm ho;
  • Điều trị gan nhiễm mỡ;  Lợi cho tiêu hóa;
  • Điều trị thủy đậu;     Sát trùng vết thương ngoài da.

Cách sử dụng rau ngổ trong điều trị bệnh

Chính vì những tác dụng tuyệt vời mà rau ngổ mang lại, chúng ta nên thường xuyên sử dụng rau ngổ trong các bữa ăn để nhận được lợi ích từ nó.

Sau đây, ThuocDanToc.vn xin điểm qua một số phương pháp điều trị bệnh bằng rau ngổ. Tuy nhiên, sự lựa chọn của chúng tôi chỉ mang tính chất tương đối với hy vọng cung cấp cho quý độc giả những thông tin cần thiết nhất.

1. Điều trị bệnh đường tiết niệu

Đối với bệnh nhân mắc một số bệnh về đường tiết niệu như viêm đường tiết niệu, tiểu rắt, phì đại tiền liệt tuyến, vôi hóa tiền liệt tuyến, đau tức bụng dưới,… rau ngổ sẽ là vị thuốc hữu ích cho người bệnh.

Người bệnh nên thường xuyên ăn rau ngổ để kích thích vị giác, làm cho bữa ăn hàng ngày trở nên ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, rau ngổ như một liều thuốc hỗ trợ dự phòng các bệnh về đường tiêu hóa.

Bạn có thể sử dụng bài thuốc sau để cải thiện những bệnh về đường tiết niệu:

Nguyên liệu

  • 40 – 60g rau ngổ;
  • 1 thìa cà phê muối iot tinh luyện;
  • Nước sôi để nguội.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Loại bỏ lá vàng, lá sâu. Rửa rau sạch sẽ, để ráo nước.
  • Bước 2: Giã nhỏ rau ngổ. Hoặc dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn.
  • Bước 3: Lấy phần rau ngổ vừa xay ra ngoài cốc. Chế thêm nước sôi để nguội, cho thêm một ít muối vào và uống mỗi ngày.

Hãy thường xuyên ăn rau ngổ để bữa cơm hàng ngày trở nên ngon miệng hơn và nhận được những lợi ích từ rau ngổ.

2. Phòng và trị bệnh ung thư

Qua một số nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, một số chất trong rau ngổ (như nevadensin,…) có khả năng chống lại các tế bào ung thư, kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu khối u,…

Đối với những bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến,… người bệnh có thể áp dụng bài thuốc sau:

Nguyên liệu

  • 100g rau ngổ tươi;
  • 100g lá mồng tơi non;
  • 5 muỗng canh giấm chuối.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Rửa rau ngổ và lá mồng tơi non thật sạch, để ráo nước.
  • Bước 2: Giã nhuyễn 2 nguyên liệu trên, vắt lấy nước.
  • Bước 3. Cho thêm 5 muỗng canh giấm chuối vào.

Bệnh nhân uống hỗn dịch ngay trước khi ăn bữa trưa.

Rau ngổ có thể giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến.

3. Giải độc

Rau ngổ có tính năng giải độc, khiến cho đầu óc luôn sảng khoái, minh mẫn. Nhờ tính năng giải độc này mà rau ngổ sẽ làm giảm và loại bỏ dần mụn bọc, mụn cám, chứng đầy hơi khó tiêu.

Để cơ thể được thanh lọc, bạn có thể áp dụng bài thuốc sau:

Nguyên liệu

  • 100g rau ngổ;
  • 100g tàu bạc hà tươi;
  • Nước sôi để nguội.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Rửa sạch rau ngổ, phơi khô.
  • Bước 2: Sao vàng hạ thổ rau ngổ với bạc hà (chưa tước vỏ) 3 lần.
  • Bước 3: Sắc rau ngổ và bạc hà với nước trong vòng 10 phút.

Liều dùng

  • Uống thuốc vào buổi sáng trước khi ăn sáng;
  • Uống 5 ngày, nghỉ 5 ngày;
  • Điều trị trong vòng 1 tháng.

4. Chữa bệnh sỏi thận

Rau ngổ có thể chữa được bệnh sỏi thận qua hoạt động giãn mạch máu, giảm co thắt cơ trơn, thúc đẩy lọc máu, lợi tiểu,… Từ đó, các tinh thể ở thận bị tiêu nhỏ, hòa tan, dễ đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu.

Bạn có thể nấu 50 – 100g rau ngổ với 2 bát nước trong vòng 20 phút. Sau khi nguội, bạn uống nước rau ngổ. Hãy duy trì, uống nước rau ngổ thường xuyên mỗi ngày. Có thể kế hợp với mã đề, râu ngô,…

5. Điều trị cảm ho, sổ mũi

Đối với bệnh cảm, sổ mũi thông thường, hãy dùng khoảng 20g rau ngổ tươi, sắc uống.

Đối với bệnh ho do viêm phế quản mãn tính, hãy áp dụng bài thuốc sau:

Nguyên liệu

  • 50g rau ngổ tươi;
  • Một ít muối hột.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Loại bỏ lá vàng, lá sâu. Rửa sạch, để ráo.
  • Bước 2: Giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt.
  • Bước 3: Cho thêm một vài hạt muối hột vào.

Liều dùng

  • Uống thuốc vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy;
  • Dùng liên tục trong vòng từ 10 – 15 ngày.

Rau ngổ có thể giúp bạn loại bỏ cơn ho, sổ mũi, cảm sốt. Đặc biệt, rau ngổ còn là vị thuốc điều trị cơn ho dai dẳng lâu ngày, ho mãn tính.

6 Điều trị sưng tấy, viêm đau, vết thương mưng mủ ngoài da

Đối với trường hợp ngoài da có các vết thương, viêm sưng, bạn hãy rửa sạch rau ngổ, giã nát. Sau đó đắp vào vùng da đang thương tổn.

Một vài lưu ý khi sử dụng rau ngổ

1. Lưu ý khi sơ chế, chế biến

Khi dùng rau ngổ trong ẩm thực hoặc điều trị bệnh, hãy rửa sạch trước khi dùng. Rau ngổ là loại cây thân thảo, mọc không cao, luôn mọc ở sát đất ẩm nên rất nhiều vi khuẩn, sán, bám vào lông tơ của rau. Bạn hãy ngâm rửa rau với nước muối, thuốc tím,… để phòng tránh bị ngộ độc.

Trong khi chế biến rau ngổ, nhiệt độ phải đạt đến 40 – 45 độ C mới có thể diệt được trứng giun, sán có thể còn sót lại trong lá cây.

2. Tác dụng phụ

Hiện nay, chưa có tài liệu nào đề cập đến tác dụng phụ của rau ngổ. Bên cạnh đó, cũng chưa có tài liệu nào trình bày về tác hại nếu sử dụng quá nhiều. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng vì có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Khi dùng rau ngổ điều trị các bệnh cảm, ho, sốt,… cho trẻ nhỏ, bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.

Nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng lạ nào, gây khó chịu, hãy thông báo ngay với bác sĩ để được giải quyết kịp thời.

Nội dung của bài viết chỉ mang tính tham khảo. ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, phương pháp điều trị,… thay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên y tế.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

5. CÂY ATISO

       Lá cây: Lá thường được thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng, lúc cây chưa ra hoa hoặc hái trước tết âm lịch một tháng. Lá sau khi thu đã được phơi hoặc sấy khô.

  • Rễ và thân cũng được dùng làm thuốc
  • Đế hoa và lá bắc dùng làm thức ăn

Tác dụng, công dụng

Uống atiso có tác dụng gì?

Ngoài việc dùng đế hoa và lá bắc để ăn, tác dụng của atiso còn có thể kể đến như làm thuốc thông tiểu, thông mật, chữa các bệnh yếu gan, thận, viêm thận cấp tính và kinh niên, sưng khớp xương…

Thảo dược này thường được dùng để kích thích sự tiết dịch của gan và giúp giảm các triệu chứng sau khi say xỉn như ợ nóng, xây xẩm…

Không chỉ được dùng cho các bệnh về gan, tác dụng của atiso còn mở rộng sang phòng chống xơ vữa động mạch và chống tăng mỡ trong máu hoặc trị chứng khó tiêu.

Lá atiso vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng trong điều trị bệnh phù và thấp khớp. Ngoài ra, loài cây này còn được dùng để nhuận và tẩy máu nhẹ đối với trẻ em.

Hoa hay bông atiso có khả năng giảm lượng cholesterol trong máu, giúp tăng sự thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa và trị chứng khó tiêu ở dạ dày. Cụm hoa được dùng trong chế độ ăn kiêng của bệnh nhân đái tháo đường vì nó chỉ chứa lượng nhỏ tinh bột, còn phần lớn carbonhydate là inulin.

Nhìn chung, công dụng của atiso đối với sức khỏe rất đa dạng, bao gồm điều trị:

  • Cholesterol cao, giúp hạ thấp lượng đường trong máu
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Các vấn đề về thận, ngăn ngừa sỏi mật
  • Thiếu máu, hạ huyết áp
  • Giữ nước (phù)
  • Viêm khớp
  • Nhiễm trùng bàng quang, giúp lợi tiểu
  • Các vấn đề về gan
  • Trị rắn cắn
  • Dùng như nước dưỡng da hoặc kích thích làm lành da.

Liều dùng

Liều dùng của atiso có thể khác nhau đối với từng đối tượng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Liều dùng thông thường của atiso là bao nhiêu?

Để chữa chứng ợ hơi, bạn có thể dùng 320-640mg chiết xuất từ lá atiso ba lần mỗi ngày.

Để làm giảm lượng cholesterol, bạn nên dùng 1.800-19.320mg chiết xuất a-ti-sô từ 2-3 lần/ngày. Một số sản phẩm từ atiso được bào chế để chỉ giữ lại hoạt chất cynarin. Nếu dùng sản phẩm cynarin, bạn nên dùng từ 60-1.500mg mỗi ngày.

Cách dùng, dạng dùng

Dạng dùng của atiso

Cây atiso có thể được chế biến và dùng dưới nhiều dạng khác nhau như:

  • Nước sắc
  • Cao mềm, cao lỏng hoặc cao khô
  • Viên bao
  • Trà atiso

Một số cách dùng atiso bạn có thể áp dụng

Sắc lấy nước

Bạn có thể dùng lá khô hoặc lá tươi, đem sắc hoặc nấu thành cao lỏng (5-10%) để uống với liều 2-10g lá khô một ngày.

Có khi được chế thành dạng cao lỏng đặc biệt dùng dưới hình thức giọt. Ngày uống 1-3 lần, mỗi lần 10-40 giọt.

Nấu để ăn

Bạn cần loại bỏ hết các cánh hoa, bào phần lõi cho tới khi có được phần tim hoa màu xanh lá sáng. Bạn có thể vắt một chút nước chanh vào phần tim hoa này để hoa không bị thâm.

Khi đã có được phần tim hoa, bạn có thể hấp, nướng, chiên hay làm nước sốt tùy thích. Bạn hãy tham khảo thêm công thức nấu để có nhiều món ăn đa dạng.

Bạn cũng đừng bỏ qua phần hoa atiso non vì nó ngọt và mềm, phù hợp với nhiều món ăn đấy.

Uống trà atiso

Ngày nay, atiso thường được sử dụng để chế biến thành các loại trà dạng túi lọc tiện lợi. Bạn chỉ cần ngâm túi trà trong nước nóng là có thể uống được ngay.

Nhiều người tự hỏi tác dụng của trà atiso là gì? Uống một ly trà atiso có thể giúp bạn thư giãn tinh thần và giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Không những vậy, một số công dụng khác của trà atiso có thể kể đến như giảm cân, giảm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu.

Lưu ý, thận trọng:

Các tác dụng phụ của atiso

Thảo dược này là một loại thực phẩm được dùng nhiều trong các gia đình và có rất ít tác dụng phụ. Một trong những tác dụng phụ của atiso là gây đói và làm người dùng cảm thấy yếu sức. Tuy nhiên, bạn cũng cảm thấy tăng sự thèm ăn.

Trong một số trường hợp, người dùng có thể bị dị ứng với a-ti-sô. Những người dễ bị dị ứng với hoa atiso cũng có thể bị ứng với các loại cây thuộc họ Cúc.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên và có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

Trước khi dùng hoa atiso, bạn nên biết những gì?

Bạn nên kiểm tra lượng cholesterol thường xuyên nếu dùng hoa atiso trong thời gian dài để chữa bệnh mỡ trong máu. Bạn cũng nên có một chế độ ăn uống hạn chế chất béo. Khi dùng atiso dưới dạng chiết xuất hoặc ngâm trà, bạn nên pha loãng với một ít nước.

Bạn cũng nên phân biệt hoa atiso xanh với atiso đỏ. Loại hoa đang được đề cập trong trường hợp này là atiso xanh. Hoa atiso đỏ có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa, thuộc họ Cẩm quỳ và có tên gọi khác là hoa bụt giấm.

Những quy định cho atiso ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của loài cây này. Việc sử dụng nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của atiso như thế nào?

Không nên dùng atiso cho những người bị tắc ống mật, bị sỏi mật hoặc dị ứng với atiso. Nếu bạn đang được điều trị bổ sung muối sắt, không nên dùng atiso vì nó có thể ngăn chặn hấp thụ muối sắt.

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của atiso với trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Vì vậy, bạn nên tránh dùng atiso cho những đối tượng này.

Atiso có thể tương tác với những gì?

Atiso có thể ngăn chặn hấp thụ các thuốc bổ sung muối sắt và làm giảm lượng đường trong máu, do đó ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn.

Thuốc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng atiso.

6. CÂY HOA HÒE

Trong từng bộ phận của cây hòe đều chứa những dược chất nhất định.

Hoa hòe có tác dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Loại dược liệu này có tác dụng chữa trị bệnh trĩ, đại tiện ra máu, ho khạc, viêm họng, cao huyết áp, mất ngủ,…

Cây hoa hòe là một loại thảo dược có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như: tim mạch, huyết áp cao, giảm cân, viêm khớp…

Cây hoa hòe là một trong những thảo dược được trồng nhiều nơi ở nước ta với những công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, bền thành mạch. Vậy cây hoa hòe là gì? Cách sử dụng như thế nào? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cây hoa hòe được trồng ở khu vực nào?

Cây hoa hòe còn có tên gọi khác là hòe nhụy, hòe giao, hòa thực, hòe mễ thán, hòe hoa, cây hòe. Tên khoa học Styphnolobium japonicum, thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Cây hoa hòe có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây hoa hòe được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên đặc biệt là các tỉnh Thái Bình, Hà Nam,  Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định…

Đặc điểm thực vật

Cây hoa hòe thuộc nhóm thân gỗ, mọc thẳng, tán rộng, khả năng chịu hạn tốt. Khi trưởng thành cây có thể đạt chiều cao lên đến 15m. Cây được trồng bằng phương gieo hạt và cành vào mùa xuân. Sau 1 – 2 năm bắt đầu thu hoạch, cây càng sống lâu càng cho nhiều hoa, hoa bắt đầu nở từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 12.

Thân cây hoa hòe chia thành nhiều nhánh, các cành tương đối cong queo. Lá kép lông chim chia thành 9 -13 lá chét hình trứng, nhọn ở đỉnh lá và mọc đối xứng nhau. Càng gần cuống thì lá càng to hơn, chiều dài lá là từ 1,5 – 4,5cm. Bề mặt lá có màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn, phần giữa có gân nổi rõ, 2 bên có các gân phụ…

Đặc điểm thực vật, dược liệu của cây hoa hòe

Cuống lá cây hòe phình dài, hình trụ, có màu xanh và dài từ 3 – 4cm.

Cây hoa hòe được chia làm 2 loại: cây hoa hòe nếp và cây hoa hòe tẻ. Cây hoa hòe nếp thường có hoa tròn và to, hoa hòe tẻ thường có hoa thon và dài, mọc ở đầu cành. Các tràng hoa gần giống cánh bướm, màu trắng ngà.

Quả hòe thuộc giống quả đậu, vỏ dày, màu xanh, có hạt, vị trí giữa 2 hạt thường thắt lại.

Đặc điểm dược liệu

Hoa hờ có nụ hình trứng, ngắn, dài từ 3 – 6mm, nhọn ở đầu, màu vàng xám.

Đài hoa màu xanh, hình chuông và chỉ dài bằng một nửa chiều dài của nụ hoa. Hoa hòe khi chưa nở có màu vàng, dài chừng 10mm (tối đa) có mùi thơm, nếm thấy vị đắng nhẹ.

Thành phần hóa học của cây hoa hòe

Bộ phận dùng: bộ phận được sử dụng nhiều nhất để chữa bệnh trên cây hoa hòe là nụ hoa. Trong một số trường hợp, quả của cây cũng được sử dụng để chữa bệnh nhưng ít phổ biến hơn.

Trong từng bộ phận của cây hòe đều chứa những dược chất nhất định.

Hoa: Nụ hoa khô có chứa 20% Rutin, Betulin, Sophoradiol và Quercetin (hoa đã nở chứa 8% Rutin).

Quả có chứa các hoạt chất như: Rutin, N-methylcytisine, Sophocarpin, …

Trong hạt có chứa các hoạt chất: Rutin, Flavonoid, Alkaloid.

Rễ và gỗ cây có chứa các hoạt chất : Irrisolidon, Flemichaparin B, Biochanin A,…

Công dụng của cây hoa hòe theo Đông y

 Tính vị của hòe hoa

  • Theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo: Hoa hòe tính bình, vị đắng và không có độc.
  • Theo Bản Thảo Cương Mục và Trung Dược Đại Từ Điển : Tính mát, vị đắng.
  • Theo Cảnh Nhạc Toàn Thư: Tính hàn, vị đắng.
  • Theo Trung Dược Học: Tính bình, vị đắng.

Đặc tính quy kinh của hòe hoa 

Hoa hòe có khả năng quy vào các kinh Dương minh ( Đại trường ), Phế, Can ( Quyết  m).

Hoa hòe có tác dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Loại dược liệu này có tác dụng chữa trị bệnh trĩ, đại tiện ra máu, ho khạc, viêm họng, cao huyết áp, mất ngủ,…

Công dụng của cây hoa hòe theo Tây y

Cây hoa hòe là một loại thảo dược có nhiều dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như: tim mạch, huyết áp cao, giảm cân, viêm khớp…

Hoa hòe hỗ trợ chữa bệnh trĩ

Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh “lòi dom” theo tên dân gian. Đây là bệnh xảy ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở các mô xung quanh hậu môn. Bệnh thường có những triệu chứng như: ngứa, rát hậu môn, đại tiện ra máu, đau rát, nứt kẽ hậu môn. Các búi trĩ lồi ra ngoài hậu môn (trĩ sa ra ngoài), …

Bệnh trĩ gồm trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Tùy từng loại, cấp độ và mức độ biểu hiện phương pháp điều trị có thể sử dụng như: uống thuốc, các biện pháp luyện tập hay phải can thiệp phẫu thuật để điều trị triệt để. Trong hoa hòe, có chứa hoạt chất troxerutin có đặc tính vận mạch, oxymatrine giúp giảm sưng liên quan đến các mạch máu suy yếu, do đó giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.

Tuy nhiên việc chữa bệnh trĩ bằng hoa hòe thường có tác dụng chậm, do vậy quá trình sử dụng phải kiên trì kết hợp với các phương pháp điều trị khác, xây dựng một chế dinh dưỡng khoa học. Trường hợp bệnh trĩ ở giai đoạn nặng chỉ dùng hoa hòe để hỗ trợ không coi là phương pháp điều trị chính, cần can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để điều trị triệt để.

      Hoa hòe có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh trĩ

Hoa hòe hỗ trợ tốt cho bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch liên quan đến tình trạng sức khỏe của trái tim, bệnh ảnh hưởng đến hoạt động gây suy yếu tim. Bệnh phân ra thành nhiều nhóm: bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim và suy tim.

Bệnh với các triệu chứng như: Khó thở kéo dài, đặc biệt là khi nằm xuống càng khó thở nặng hơn. Đau tức ngực, cảm giác bị đè trong lồng ngực. Cơ thể tích nước, mặt, bàn chân căng phù. Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức kéo dài khi làm các công việc hằng ngày. Ho dai dẳng kéo dài, ho liên tục không có dấu hiệu thuyên giảm. Người bệnh chán ăn, buồn nôn, ăn không tiêu,…

Thường xuyên đi tiểu đêm. Nhịp tim và mạch đập nhanh, đập không đều. Lòng bàn tay đổ mồ hôi, thở nhanh, thở dốc, cảm giác chóng mặt, ngất xỉu,… Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể sử dụng hoa hòe bởi trong nụ hoa hòe có chứa hoạt chất Rutin, oxymatrine có chức năng bảo vệ, cải thiện chức năng của tim, giúp thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh và hệ thống tim mạch tổng thể.

Hoa hòe giúp hỗ trợ người cao huyết áp

Huyết áp cao là một trong những yếu tố gây nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra suy thận mãn và biến chứng ở mắt. Tăng áp lực máu động mạch sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ trung bình.

Các bác sĩ thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) cho trị số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho trị số huyết áp dưới. Khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người có tuổi, dạng tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg).

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể dùng hoa hòe để hỗ trợ điều trị, bởi trong hoa hòe có chứa hoạt chất rutin (hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon) đây là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch. Đồng thời, giúp giảm huyết áp, phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Hoa hòe có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh huyết áp cao

Hoa hòe hỗ trợ chữa bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có tên tiếng anh là Immune Thrombocytopenic Purpura – ITP. Bình thường khi cơ thể bị vi trùng, virus, ký sinh trùng… tấn công, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất kháng thể để chống lại. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó.

Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, xuất huyết não…. Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể dùng hoa hòe bởi trong hoa hòe có chứa hoạt chất rutin có tác dụng tăng cường độ bền các mao mạch giảm tính thẩm thấu các mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp: chảy máu cam, đại tiện ra máu và trĩ ra máu.

Hoa hòe giúp trị bệnh viêm khớp

Viêm khớp là tình trạng rối loạn tại khớp, chủ yếu ảnh hưởng tới các sụn, được đặc trưng bởi hiện tượng viêm một hoặc nhiều khớp. Viêm khớp thường có triệu chứng đau đi kèm. Đó là do khi bị viêm, các sụn bị vỡ và mòn đi, khiến cho các xương dưới sụn cọ sát vào nhau khi vận động, sẽ gây viêm, sưng, đau nhức và hạn chế khả năng cử động của khớp.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh có thể sử dùng hoa hòe, bởi trong hoa hòe có chứa các hoạt chất làm giảm sưng và viêm  với bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính. Tuy nhiên, việc sử dụng cần kiên trì, kết hợp với các phương pháp điều trị khác, không được coi hoa hòe là phương pháp điều trị chính để tránh tình trạng biến chứng của gây bệnh gây ra nếu không được điều trị triệt để.

Hoa hòe giúp an thần

Theo các chuyên gia y tế, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần và giúp tạo giấc ngủ ngon. Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng để cải thiện tình trạng mất ngủ, căng thẳng.

Hoa hòe hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Các nghiên cứu đã chỉ ra, hoa hòe có tác dụng giảm cân, kiểm soát sự trao đổi chất, giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan, giảm lượng mỡ trong máu, tiêu hóa tốt, hạn chế hấp thu chất béo. Đây được coi là một phương pháp giảm cân an toàn được rất nhiều người áp dụng để điều chỉnh trọng lượng cho cơ thể.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây hoa hòe

Cây hoa hòe có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như đại tiện ra máu, cao huyết áp, đau đầu… Sau đây là một số bài thuốc từ cây hoa hòe.

Bài thuốc 1: Hoa hòe chữa đại tiện ra máu tươi

Đi đại tiện ra máu tươi có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân thường gặp nhất đầu tiên phải kể đến bệnh trĩ, sau đó là Polyp trực tràng và đại tràng, viêm, nứt kẽ hậu môn, viêm loét đại trực tràng chảy máu, ung thư đại – trực tràng. Sau đây là bài thuốc từ cây hoa hòe.

Nguyên liệu: Hoa hòe khô 10g, trắc bá 10g, kinh giới 10g.

Cách thực hiện: Cho hoa hòe và trắc bá vào sao vàng, sau đó sắc cùng với kinh giới với 400ml  nước sắc đến khi còn 100ml nước, uống 2 lần trong ngày, liên tiếp từ 3 – 5 ngày.

Bài thuốc 2: Hoa hòe hỗ trợ điều trị cao huyết áp

Người mắc bệnh cao huyết áp thường có các triệu chứng như: hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng, thở nông, đau đầu. Chảy máu mũi, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh. Chóng mặt, mắt nhìn mờ. Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa, tiểu máu, mất ngủ. Sau đây là bài thuốc từ cây hoa hòe.

Nguyên liệu: hoa hòe khô 10g, ngó sen 5g, lá sen 10g, cúc hoa vàng 4g.

Cách thực hiện: Cho tất cả nguyên liệu sắc cùng 500ml cho đến khi còn 150ml. Uống ngày 2 lần trong vòng 10 ngày.

Bài thuốc 3: Hoa hòe hỗ trợ chứng đau đầu

Người bị bệnh đau đầu thường có các triệu chứng như: Đau nhức đầu âm ỉ hoặc dữ dội trong nhiều giờ. Có thể xuất hiện một số triệu chứng đi kèm như mờ mắt, buồn nôn, mệt mỏi, mất thăng bằng,… Các cơn đau đầu thường xuất hiện dữ dội vào buổi sáng và tối, có thể gây mất ngủ kéo dài. Sau đây là bài thuốc từ cây hoa hòe.

Nguyên liệu: Hoa hòe  khô 10g, cúc hoa 5g, thảo quyết minh 20g.

Cách thực hiện: Các nguyên liệu trên được sao vàng hãm cùng với nước sôi, khi uống cho thêm một ít đường, uống thay nước hàng ngày.

 Bài thuốc hoa hòe chữa chứng bệnh đau đầu hiệu quả

Bài thuốc 4: Hoa hòe chữa rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ

Hội chứng rối loạn kinh nguyệt thường xảy ra ở phụ nữ do sự bất ổn ở nội tiết tố, chế độ sinh hoạt không đều… Bệnh thường có các triệu chứng: Chảy máu nhiều, ồ ạt khi đến kỳ, bị vô kinh, đau bụng khi bị kinh dữ dội, thay đổi tâm lý, thay đổi về thể chất, bị rong kinh. Sau đây là bài thuốc từ cây hoa hòe.

Nguyên liệu: Hoa hòe 35g, bách thảo sương 20g.

Cách thực hiện: Dùng hai nguyên liệu trên tán thành bột, pha với nước uống ngày 9g trong vòng 3 – 5 ngày.

Bài thuốc 5: Hoa hòe chữa chảy máu chân răng

Chảy máu chân răng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như: Bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin C, K, viêm lợi, viêm nha chu.. Sau đây là bài thuốc từ cây hoa hòe.

Nguyên liệu: Nụ hòe khô 20g.

Cách thực hiện: Cho nụ hòe vào sao vàng, sắc với 500ml nước uống 2 lần/ngày trong vòng 1 tuần.

Những lưu ý khi sử dụng cây hoa hòe để đạt hiệu quả

Cây hoa hòe là một loại thảo dược có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh, để phát huy tác dụng của nguồn dược liệu này cần lưu ý một số vấn đề sau.

Cây hoa hòe dùng dạng nào là tốt nhất?

Việc sử dụng hòe hòe ở dạng nào tốt nhất là điều quan tâm của rất nhiều người khi tìm hiểu về loại cây này. Theo các chuyên gia y tế cho biết, hoa hòe là một dược liệu lành tính người bệnh có thể sử dụng hoa hòe khô sao vàng bằng cách pha trà hoặc trà hoa hòe đã được chế biến ở dạng túi lọc. Đối với hoa hòe khô, trà hoa hòe, khi mua người dùng nên lựa chọn những cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi lựa chọn nên chọn những những loại hoa hòe to mập, không bị ẩm mốc.

Sử dụng hoa hòe ở dạng khô hoặc trà hoa hòe ở dạng túi lọc

Sử dụng hoa hòe gây tác dụng phụ như thế nào?

Hoa hòe được coi là thảo dược lành tính và quá trình sử dụng hoàn toàn không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, để phát huy tính hiệu quả, khi sử dụng người bệnh cần tuân thủ sử dụng đúng cách và liều lượng, không mua các loại hoa hòe kém chất lượng, sản phẩm trà hòe không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng cây hoa hòe?

Cây hoa hòe mặc dù được coi là thảo dược lành tính, tuy nhiên trong quá trình sử dụng để đạt kết quả tốt trong việc điều trị, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu không nên dùng bởi hoa hòe có tính lạnh. Nếu sử dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ và có sự phối hợp với các dược liệu khác.
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoa hòe.
  • Những người huyết áp thấp không nên sử dụng hoa hòe bởi việc sử dụng sẽ gây ra hiện tượng chóng mặt, choáng khi sử dụng.
  • Hoa hòe có thể tương tác với một số thuốc Tây cho nên trong quá trình sử dụng cần thận trọng, khi có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình sử dụng cần thông báo với bác sĩ để có những can thiệp kịp thời.

Vì sao dùng hoa hòe phải sao vàng hạ thổ?

Mục đích của việc sao vàng, hạ thổ hoa hòe nhằm thay đổi tính năng của thảo dược làm giảm bớt tính kích thích, dễ uống cân bằng âm dương.

Hướng dẫn cách sao vàng hạ thổ hoa hòe

Bước 1: Sau khi hoa hòe được thu hái về, tiến hành bỏ cành và lá sau đó tiến hành phơi khô.

Bước 2: Cho hoa hòe đã được phơi khô vào chảo đã được đun trên bếp (lưu ý sử dụng nồi đất hoặc nồi gang) sau đó đảo đều cho vàng, khi xuất hiện mùi thơm tắt bếp.

Bước 3: Đổ chảo hoa hòe xuống nền đất để hạ thổ, có thể phủ một lớp giấy báo lên trên bề mặt. Đời khoảng một vài phút cho hoa hòe nguội cho vào túi để nơi khô ráo, tránh chỗ ẩm ướt, sử dụng đến đâu gói lại kỹ đến đó.

Trên đây là toàn bộ thông tin về cây hoa hòe, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về thảo dược thân thuộc này trong quá trình sử dụng cũng như biết cách sử dụng để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

                                              Nguồn: Benh.vn


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

7. CÂY CHÈ ĐẮNG

 Bộ phận dùng làm thuốc của cây chè đắng là lá bánh tẻ, được thu hái quanh năm, đem về tãi mỏng, phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô. Khi dùng sao khô cho thơm.

Lá chè đắng có vị rất đắng, sau có cảm giác ngọt ở họng, có tác dụng tăng lực, tiêu viêm giải biểu. Theo kinh nghiệm dân gian, dược liệu được dùng để pha nước uống như trà hàng ngày làm cho người khỏe mạnh, đỡ mệt mỏi khi làm việc trí óc căng thẳng hoặc gặp những bất lợi về thời tiết như trời quá nóng, hay quá lạnh. Gần đây, những công trình nghiên cứu trong nước còn cho thấy lá chè đắng có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, giảm cholesterol máu, giải độc, bảo vệ gan, kích thích thần kinh mà không hề làm mất ngủ.

Có thể dùng chè đắng ở những dạng sau:

- Lá phơi khô ủ cho mềm rồi cuộn chặt lại như tổ sâu kèn, đóng gói thành túi 100g, 200g hoặc 500g. Ngày dùng 1-2g (tương đương với 1-2 lá đã cuộn tổ) cho vào nước ấm, đổ nước sôi vào hãm uống. Hâm đến khi nước chè loãng thì thôi.

Lá chè đắng khô đem tán nhỏ, rây bột rồi đóng túi lọc, mỗi túi có 0,5g bột. Khi dùng pha với nước sôi như các loại trà túi lọc khác, mỗi lần 1 túi ngày 2-3 lần.

Dùng phối hợp, lá chè đắng và lá bạch quả lượng hai thứ bằng nhau, để nguyên củ lá hoặc tán thành bột khô, mỗi lần dùng 1g bột hỗn hợp, pha uống trong ngày như uống trà. Thuốc làm tăng tuần hoàn não, tăng cường trí nhớ.

Cách đơn giản nhất là lấy lá chè đắng hãm nước uống hàng ngày. Chè không ôi, thiu, ngọt giọng. tác dụng tốt cho sức khoẻ. 

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

8. CÂY TRẦU KHÔNG

 Theo y học cổ truyền lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn.

Cây trầu không được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy lá ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây quạch), ngoài ra lá trầu không còn được dùng làm thuốc. Trầu không là một loại cây mọc leo, thân nhẵn. Lá mọc so le, cuống có bẹ, dài 1,5 - 3,5cm, phiến lá hình trái xoan, dài 10-13cm, rộng 4,5 - 9cm, phía cuống hình tim (đối với những lá phía gốc) đầu lá nhọn, khi soi lên thấy rất nhiều điểm chứa tinh dầu rất nhỏ, gân lá thường 5. Hoa khác gốc mọc thành bông, quả mọng không có vòi sót lại.

Trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ...và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.

Một số bài thuốc thường dùng

-  Trị đau nhức, cảm cúm: Lấy khoảng 5 lá trầu không nhúng vào rượu đánh cảm giảm đau nhức xương khớp, nhẹ đầu giảm các triệu chứng cảm cúm.

- Chữa nước ăn chân: Lấy lá trầu không 8g, lá ráy 50g thái nhỏ, đổ ngập nước, đun sôi để nguội rồi ngâm chân. Hoặc  lấy một nắm lá trầu không đun sôi để nguội ngâm chân cũng rất hiệu nghiệm.

- Chữa nhức đầu do thay đổi thời tiết: Lấy 5 lá trầu, rửa sạch giã dập rồi xoa vào thái dương hay đỉnh đầu sẽ có tác dụng giảm đau và dịu cơn nhức đầu.

- Sát khuẩn vết thương: Khi bị thương, vắt nước trầu không rửa vết thương rồi dùng lá trầu không sạch phủ lên, băng lại hoặc có thể lấy lá trầu không nấu nước rửa vết thương hàng ngày vết thương sẽ khô, kín miệng sau 2 ngày.

-  Chữa chứng ngứa, viêm nhiễm vùng kín:  Lấy 1 nắm  lá trầu không vò nát, thêm một chút muối, đun sôi với nước rồi ngồi xông vùng kín. Sau đó lấy nước lá trầu không để nguội, dùng rửa ngoài chống viêm, chống ngứa rất hiệu quả.

- Chữa viêm họng:  Khi viêm đau họng lấy 5 lá trầu không rửa sạch giã nát chắt lấy nước, thêm mật ong rồi ngậm có thể nuốt từ từ rất hiệu nghiệm.

 - Thông tia sữa: Sau khi sinh sản phụ cương sữa lấy lá trầu không hơ nóng áp vào bầu vú giúp sữa xuống nhanh giảm đau nhức. Hoặc có thể lấy lá trầu không tẩm một chút dầu gió áp vào bầu vú sẽ kích thích sữa chảy nhanh và tuần hoàn dòng sữa.

     (Bạn đọc thêm 38 bài thuốc từ lá trầu không phía dưới)

          Tác dụng chữa bệnh của lá trầu không


9. CÂY ỔI

 Cây ổi còn có tên gọi khác là phan thạch lựu, là ủi, mác ổi, mù úy piếu,… có tính ấm, vị ngọt hơi chua sáp. Cây ổi là loại cây ăn quả rất phổ biến, quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các bộ phận của cây ổi như lá ổi, quả ổi,… lại là những thảo dược được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý về tiêu hóa, viêm ruột cấp, tiêu chảy, kiết lỵ,… cho hiệu quả rất tốt. Sau đây là một số bài thuốc từ cây ổi mời bà con tham khảo.

Mỗi bộ phận của cây ổi sẽ có những tác dụng, dược tính khác nhau

1. Chữa viêm dạ dày cấp và mãn tính: Lấy lá ổi non đem đi sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 6g uống cùng nước sôi ấm, ngày uống 2 lần.

Hoặc lấy 1 nắm lá ổi cùng với khoảng 6 – 9g gừng tươi và 1 ít muối ăn. Tất cả nguyên liệu đem trộn đều rồi vò nát và cho lên chảo nóng sao chín. Sau đó sắc lấy nước uống mỗi ngày đúng 1 thang.

2. Trị tiểu đường: Dùng 250g quả ổi, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.

3. Khắc phục rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: Dùng 30g lá ổi, 30g tây thảo, 15 – 30g gạo tẻ sao thơm, 1 – 12g hồng trà. Đem các vị thuốc trên cho hết vào nồi, đổ thêm 1 lít nước đun sôi trên lửa nhỏ đến khi cô lại còn 500ml là đạt. Có thể cho thêm 1 ít đường trắng cùng 1 ít muối hạt trộn đều và chia đều thành 2 lần rồi cho trẻ uống. Lưu ý, liều lượng này chỉ nên dùng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

4. Trị thổ tả: Chuẩn bị lá ổi, lá vối, lá sim và hoắc hương với liều lượng bằng nhau. Cho các vị thuốc trên vào ấm giữ nhiệt hãm với 500ml nước sôi nóng như hãm trà. Dùng uống trong ngày khi thuốc còn ấm với liều 1 thang thuốc/ngày.

5. Cầm máu khi bị băng huyết: Dùng 250 quả ổi rửa sạch rồi thái miếng và cho vào máy ép lấy nước. Chia đều ra thành 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể ăn mỗi ngày khoảng 200g quả ổi cũng cho tác dụng tương tự.

6. Giảm đau nhức răng: Chuẩn bị vỏ rễ ổi cùng với dấm chua. Đem các nguyên liệu đem sắc cùng với nhau rồi dùng ngậm nhiều lần trong ngày.

7. Trị tiêu chảy do lạnh: Dùng búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống 3 - 5 ngày.

8.Trị tiêu chảy do nóng: Dùng vỏ dộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng, tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn.

9.Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu: Dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày. Dùng đến khi khỏi.

10. Giảm đau nhức răng do sâu răng:: Vỏ rễ cây ổi sắc với một ít dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.

11.Trị mụn nhọt mới phát: Lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp. Làm nhiều lần trong ngày.

12. Trị bầm tím do ngã (không có trầy xước da): Dùng lá ổi tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vùng da bị bầm tím. Làm nhiều lần trong ngày.

13. Chữa vết thương xây xát nhẹ ở chân tay: Búp ổi 100g, sắc đặc ngâm tay hoặc ngâm chân vào nước sắc lúc thuốc còn ấm, mỗi ngày ngâm 2 - 3 lần.

14. Trị rôm sảy, mẩn ngứa: Dùng một nắm lá ổi nấu nước tắm hàng ngày đến khi khỏi.

15. Giải ngộ độc ba đậu: Quả ổi khô, bạch truật sao hoàng thổ, vỏ cây ổi, mỗi thứ 10g, sắc với 1/2 bát nước, cô lại còn 1 bát, chia uống vài lần

Lưu ý: Không dùng cho những người đang bị táo bón../.

                       Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống​.

16. Chữa đau bụng, đi ngoài:

             Nam: 7 búp ổi;

          Nữ: 9 búp ổi; rửa sạch, nhai với vài hạt muối, nuốt chửng, chỉ vài lần là khỏi.

Thuốc Tây thì có Becbegin - Thuốc phù hợp túi tiền của người Việt mà vô cùng đặc hiệu, chỉ 1-2 liều, khỏi tẳn ngẳn.

Tôi đã giới thiệu các bài thuốc dân gian từ 9 CÂY THUỐC CHỮA BỆNH. Những cây thuốc quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam, độc giả lựa chọn bài thuốc phù hợp, để không có bất kỳ phản ứng phụ nào. Kính chúc độc giả thành công.