Mùa xuân bình yên: Não có thể già thêm 36 tuổi sau một lần đột quỵ

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Não có thể già thêm 36 tuổi sau một lần đột quỵ

 Sau một lần đột quỵ tắc động mạch não giữa, số lượng tế bào thần kinh bị chết tương đương với quá trình lão hóa tự nhiên 36 năm.

"Chẳng hạn, một bệnh nhân 40 tuổi, sau khi tắc động mạch não giữa, điều trị xong, bộ não có thể như người 70 tuổi, bởi số lượng tế bào thần kinh chết rất nhiều", PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), nói tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, ngày 25/11/2022.

Cụ thể, với bệnh nhân tắc động mạch não giữa - một trong những bệnh cảnh nặng nề nhất của nhồi máu não, mỗi phút trôi đi có thể mất gần hai triệu tế bào thần kinh, mỗi phút già thêm hơn ba tuần tuổi. Trên thực tế, nhiều người sau đột quỵ thường giảm trí nhớ, đi đứng khó khăn, nằm một chỗ... Do đó, thời gian luôn luôn là yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ cấp.

Theo phó giáo sư Thắng, lĩnh vực đột quỵ có khái niệm giờ vàng, giờ kim cương. Theo đó, nếu bệnh nhân được điều trị trong thời gian 60 phút, gọi là cửa sổ kim cương; trong 90 phút, gọi là cửa sổ giờ vàng. Mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương.

Trước đây, các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn bởi cửa sổ thời gian như thuốc tiêu sợi huyết - trong 4,5 giờ hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối thường quy - trong 6 giờ. Hiện, phương pháp can thiệp mạch máu não đã được mở rộng, cửa sổ điều trị có thể lên đến 24 giờ.

Bằng cách sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại, các bác sĩ sẽ xem xét tình trạng nhu mô não và hệ thống mạch máu não. Nếu bệnh nhân vẫn còn chỉ định, phương pháp can thiệp sẽ được tiến hành nhằm tái thông mạch máu, đem lại khả năng phục hồi tốt hơn cho người bệnh, giảm di chứng tàn phế và tử vong.

"Vấn đề nhiều người thắc mắc là tại sao có những trường hợp chỉ chữa trong 3 giờ, nhưng có những người chữa được trong hơn 20 giờ", bác sĩ Thắng nói. Nguyên nhân là khoảng 20% bệnh nhân có ổ nhồi máu diễn tiến cực kỳ nhanh, dù đến sớm thì việc chạy đua thời gian cứu chữa cũng rất khó khăn. Khoảng 30% bệnh nhân diễn tiến từ từ và 50% người bệnh diễn tiến ổ nhồi máu chậm, dù đến trễ hơn, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về hình ảnh học vẫn có thể điều trị bằng can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, đến nay, tất cả nghiên cứu đều ghi nhận bệnh nhân đến càng sớm, lợi ích của tái thông càng cao.

Ảnh minh họa không nên tự ý đưa người bị đột quỵ đi cấp cứu. Ảnh: Freepik

Về nguyên nhân khiến việc điều trị chậm trễ, lãnh đạo Hội Đột quỵ cho rằng do bệnh nhân nhập viện muộn, quy trình tiếp nhận trong bệnh viện còn tốn nhiều thời gian. Hiện, nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam đã dần rút ngắn được quy trình để điều trị bệnh nhân sớm nhất. Tuy nhiên, điều hạn chế là nhiều người dân chưa nhận biết sớm triệu chứng để đưa nạn nhân vào viện kịp thời. Ngoài ra, xe cấp cứu chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, khoảng 90% bệnh nhân tự đến viện bằng xe cộng đồng, chỉ 10% đến bằng xe cấp cứu.

Hiện, nhiều nước trên thế giới điều trị đột quỵ ngay trên xe cấp cứu lưu động. Bệnh nhân sẽ được chụp CT mạch máu não trên xe cấp cứu, hội chẩn telemedicine với bác sĩ để dùng thuốc tiêu sợi huyết ngay trước khi chuyển đến bệnh viện. Đây được xem là tương lai của điều trị đột quỵ cấp, hiệu quả hơn rất nhiều so với quy trình nước ta hiện nay là đưa đến bệnh viện mới điều trị.

Chẳng hạn, ở Mỹ, với điều trị thường quy, chỉ 3% điều trị trong giờ kim cương. Với mô hình điều trị trên xe cấp cứu, khoảng 33% bệnh nhân điều trị trong 60 phút. Việc điều trị trong thời gian kim cương sẽ làm tăng khả năng tái thông, giảm biến cố xuất huyết và tăng tỷ lệ phục hồi tốt sau đột quỵ.

Theo bác sĩ Võ Hoàng Tố Uyên, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay. Dù may mắn tránh được cánh cửa tử thần, nhiều người bệnh cũng có thể đối mặt nguy cơ tàn phế suốt đời. Đột quỵ xuất hiện đột ngột và hầu như không có dấu hiệu báo trước, song có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch...

Hiện, số lượng người bệnh bị đột quỵ ngày càng tăng và có dấu hiệu trẻ hóa khi xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Điều này có thể do thói quen ít vận động, ăn uống thừa calo..., dẫn đến các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ liên quan đến lối sống gia tăng. Ngoài ra, các yếu tố như bất thường bẩm sinh ở tim, mạch máu não... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Việc nhận biết và phát hiện bản thân hoặc người xung quanh bị đột quỵ là vô cùng quan trọng để đi cấp cứu, điều trị kịp thời. Bác sĩ Uyên khuyến cáo mọi người đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng như mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt; rối loạn thị lực, mắt nhìn mờ; méo miệng; yếu liệt tay, chân; nói khó hoặc thay đổi giọng nói.

                               Lê Phương vnExpres

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét