Mùa xuân bình yên: Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam

                                                                  Minh Ánh

TS. Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân T.T.H sau phẫu thuật giảm béo. Ảnh: BVCC© Lao Động

Số cân nặng tăng nhanh, mất kiểm soát trong thời gian dài dù đã thực hiện nhiều cách giảm cân là tình trạng của không ít bạn trẻ hiện nay. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính gây béo phì là do nhiều người có thói quen sử dụng đồ ăn nhanh và ít tham gia các hoạt động thể chất.

28 tuổi, nhưng T.T.H (Nha Trang) luôn có cân nặng trên 90kg. Bất an, lo lắng nên H đã tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị béo phì.

Sau quá trình thăm khám kỹ càng, TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ định phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng cho chị H.

Đây là phương pháp an toàn cao, hiệu quả điều trị tốt giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại công việc và cuộc sống sinh hoạt bình thường. Sau 1 tháng phẫu thuật, chị H đã giảm được 10 kg. Kỹ thuật này cũng hạn chế mức tối thiểu nhất các rối loạn chuyển hóa, rối loạn các vi chất của cơ thể.

Tại Việt Nam, tỉ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài…

TS Phúc cũng cho biết: Nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam là do lối sống hiện đại của người Việt tăng lên hơn trước. Các thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn nhanh đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn của người Việt. Trong khi đó, thức ăn có lợi cho sức khoẻ như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu, được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt… những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Các thống kê cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về hoạt động thể chất trong 50 năm qua. Việc sử dụng các thiết bị điện tại nhà cũng như nơi làm việc, phương tiện giao thông tốt hơn, ít thời gian rảnh rỗi dành cho hoạt động thể lực, đặc biệt là xem truyền hình và trò chơi điện tử, tất cả đều liên quan đến nguyên nhân làm giảm mức độ hoạt động thể chất, tăng nguy cơ béo phì.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, tình trạng béo phì đang trở nên báo động hơn.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian còn những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì.

Bác sĩ Tuấn cho rằng, mỗi người cần thực hiện những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì kiểm soát cân nặng lâu dài để cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh, nâng cao chất lượng sống.

Để tránh tăng cân, bác sĩ Tuấn khuyến cáo chế độ ăn uống khoa học, không ăn quá nhiều, thừa calo là nguyên nhân tích mỡ. Để duy trì vóc dáng, mỗi ngày chị em cần đào thải bớt 200 calo thông qua các hoạt động thể chất.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét