Mùa xuân bình yên

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

4 nhóm thực phẩm giảm nguy cơ đột quỵ

 Chế độ ăn giàu chất xơ, omega-3, chất chống viêm và cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương lâu dài, tàn tật, có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất, ít natri, giàu kali và chất xơ, giảm chất béo (nhất là các axit béo bão hòa) hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ.

1.Thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, rau xanh, quả chín... tăng cường cung cấp kali, chất xơ, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Chúng góp phần ổn định huyết áp, giảm nguy cơ mắc tim mạch, đột quỵ.

2.Thực phẩm giàu omega-3 cải thiện chức năng thần kinh, khả năng nhận thức, hỗ trợ các tế bào thần kinh hoạt động tốt. Omega-3 là chất béo cơ thể không tự sản xuất được; có nhiều trong các loại cá béo, đậu và các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó, hạt dẻ), hàu và vẹm xanh.

3.Thực phẩm có tính chống viêm giúp cải thiện tâm lý, giảm đau, hỗ trợ giấc ngủ ngon. Tình trạng viêm kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên có thể làm tổn thương não. Các loại thực phẩm có tính chống viêm như cá béo (cá hồi, cá basa, cá thu), dầu thực vật, trái cây tươi và rau xanh.

Tỏi góp phần cải thiện lưu lượng máu. Ảnh: Kim Uyên© Được VnExpress cung cấp

4.Thực phẩm có thể cải thiện lưu lượng máu như tỏi, hành tây, củ cải đường, quả mọng, trái cây có múi họ cam quýt, rau xanh... tốt cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ lưu thông máu lên não, làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Trà Phương lưu ý người có nguy cơ đột quỵ (mắc bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì) không nên ăn mỡ và nội tạng động vật. Người bệnh hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như cá hộp, thịt hộp. Nên ăn các loại thịt nạc, ít béo và các loại thức ăn, nước uống có tính an thần, lợi tiểu như trà hạt sen, tâm sen; không uống bia, rượu. Duy trì thói quen ăn nhạt, giảm độ mặn.

Bổ sung các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) góp phần tăng cường máu lên não, cải thiện hoạt động mạch máu não và chức năng thần kinh, hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ, đau đầu, mất ngủ.

Trường Giang

 

 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

Công dụng tuyệt vời của cốm xanh

 Công dụng tuyệt vời của cốm xanh không phải ai cũng biết

 Với mùi thơm của lúa non và hương thơm của lá sen (khi được gói trong lá sen), cốm xanh trở thành đặc sản không thể thiếu trong mỗi dịp thu về. Nhiều người lựa chọn thưởng thức cốm xanh thường xuyên nhưng băn khoăn rằng không biết công dụng của cốm xanh là gì?

Cốm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng khá cao, trong cốm chứa nhiều dưỡng chất như protein thực vật, tinh bột, nước, lipid, gluxit, canxi, phốt pho, chất xơ, vitamin. Cốm được chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng như xôi cốm, bánh cốm, chả cốm, chè cốm.

Công dụng tuyệt vời của cốm xanh không phải ai cũng biết. (Ảnh minh hoạ)© Được VTC cung cấp

Công dụng tuyệt vời của cốm xanh 

Nhờ giá trị dinh dưỡng đa dạng, cốm đem lại rất nhiều lợi ích với sức khoẻ. Dưới đây là công dụng tuyệt vời của cốm xanh:

Tốt cho người cao huyết áp và mắc bệnh tim mạch

Trong cốm xanh nhiều dưỡng chất có lợi cho người bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt chất xơ là chất giúp làm giảm cholesterol bằng cách làm giảm chất béo LDL và tăng HDL, từ đó giảm thiểu nguy cơ các bệnh tim mạch như mỡ máu, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.

Tốt cho hệ tiêu hoá

Chất xơ không chỉ giúp giảm cholesterol "xấu" mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hoá, phòng ngừa táo bón. Chất xơ còn giúp điều hoà hệ vi khuẩn đường ruột, giúp các vi khuẩn có lợi phát triển giúp tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột. Chuyên gia lưu ý nên ăn ở mức độ vừa phải, không nên ăn quá nhiều sẽ khiến bạn bị nóng trong.

Tốt cho xương

Trong cốm xanh chứa canxi, đây là dưỡng chất quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển thì ăn cốm có rất nhiều lợi ích.

Ăn cốm da căng mịn, sáng khỏe

Chất béo và lipid từ cốm giúp làm đẹp da, giúp da luôn căng bóng, tránh mất nước, khô da…

Lưu ý khi chọn và bảo quản cốm

Cốm xanh vừa tốt cho sức khoẻ lại có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, khi mua cốm, bạn cũng cần xem rõ nguồn gốc, xuất xứ, để tránh mua phải cốm nhuộm phẩm màu, hay có đường hóa học, không tốt cho đường tiêu hóa và sức khỏe nói chung về lâu dài. Chọn cốm có những hạt cốm được làm từ lúa nếp chắc, mỏng và dẻo. Khi ăn sẽ thấy cảm giác dai dai, vị bùi bùi và rất thơm.

Cốm nhuộm màu vàng xanh tươi, còn cốm không nhuộm thì có màu vàng của lá lúa héo, màu xỉn hơn, hơi xám xám, có màu vàng ánh lục.

Khi ăn cốm mọi người nên lưu ý nên ăn cốm vào buổi sáng vì lúc này cốm sẽ tươi và thơm ngon hơn, không bị cũ hay hư. Bạn cần bảo quản cốm nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm để không ảnh hưởng đến mùi vị thơm ngon của cốm.

Cốm để trong tủ lạnh có thể bị cứng, mất mùi thơm và dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu bảo quản cốm trong tủ, mọi người nên cho cốm vào túi zip rồi kéo nắp túi cho khít, sau đó đặt vào ngăn mát của tủ lạnh, không để gần thực phẩm sống. Khi cần sử dụng thì lấy ra, để ngoài 5-10 phút rồi thưởng thức.

 

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

TÁC DỤNG QUẢ ĐU ĐỦ: LỢI & HẠI

Tốt cho sức khỏe nhưng nhiều bệnh "kiêng ăn"

Đu đủ được coi là một trong những loại trái cây lành mạnh nhất, chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Một quả đu đủ nhỏ (khoảng 150g) có thể cung cấp: calo 59; protein 1g; carbohydrate 15g; chất xơ 3g; kali 11% nhu cầu dinh dưỡng cần trong 1 ngày (RDI); vitamin B9 14% RDI; vitamin A 33% RDI...

Ngoài ra, đu đủ còn chứa vitamin B1, B3, B5, K, E, carotenoids, enzyme papain, quercetin, flavonoid, zeaxanthin… Đặc biệt trong đu đủ lượng beta caroten, một tiền chất của vitamin A nhiều hơn trong các rau quả khác.

Khi chín, quả đu đủ có chứa 90% nước, 13% đường, không có tinh bột, nhiều caretenoid acid hữu cơ và các chất đạm chống oxy hóa nên có tác dụng tốt cho hệ thống tim mạch, có thể ngăn ngừa bệnh ung thư kết tràng...

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y dược TP.HCM, những người bị một số bệnh dưới đây đừng ăn đu đủ kẻo "hối không kịp":

- Người gặp vấn đề đường hô hấp: Đu đủ chứa enzym Papain, là chất gây dị ứng mạnh và do vậy có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn hô hấp. Những người bị những bệnh như sốt mùa cỏ khô, hen suyễn, hoặc bất kỳ trường hợp dị ứng nào, hãy cẩn thận khi ăn đu đủ. 

Đôi khi phấn hoa có thể dính lên vỏ đu đủ nên khi gọt đu đủ cần đeo găng tay. Vứt vỏ và găng tay vào thùng rác ngay sau khi gọt xong.

- Sỏi thận: Đu đủ có rất nhiều vitamin C, trong 100g đu đủ chứa 60,9mg vitamin C. Nhưng nếu bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận canxi oxalat hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.

- Hạ đường huyết: Những người bị hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp nên tránh ăn đu đủ, bởi ăn quá nhiều có thể dẫn đến các triệu chứng như run rẩy và tim đập nhanh.

- Những người tiêu hóa kém: Đu đủ là một chất nhuận tràng tuyệt vời và là một nguồn giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa. Nếu ăn quá nhiều có thể có tác động xấu đến dạ dày, dẫn đến tiêu chảy và đầy hơi.

- Suy giáp: Cyanogenic glycoside có trong đu đủ không chỉ ảnh hưởng đến nhịp tim mà còn có thể cản trở quá trình tổng hợp và chuyển hóa i ốt trong cơ thể và gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn ở những người bị suy giáp. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở những người ăn quá nhiều đu đủ.

- Suy gan: Người bệnh suy gan thường xuyên phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị. Đu đủ có tác dụng giúp phục hồi sau các tác động độc hại trên gan và giảm tổn thương cho cơ quan này. 

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đăng tải trên Healthline cũng đã đề cập rằng lá đu đủ có thể làm tăng nồng độ men GGT, ALP và bilirubin thường chỉ ra các bệnh gan đang hoạt động do xuất huyết và viêm. Vì vậy, tốt nhất những người bị suy gan nên tránh hoặc giảm ăn đu đủ. Nếu muốn ăn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

- Gây rối loạn dạ dày: Ăn quá nhiều đu đủ sẽ làm đảo lộn hệ tiêu hóa, có thể gây ra rối loạn dạ dày với các triệu chứng như là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng... Thủ phạm chính của các triệu chứng này là sự dồi dào của chất xơ và nhựa đu đủ có trong dạ dày khiến phải co bóp nhiều. Nó thậm chí còn kích thích dạ dày gây ra những trận nôn mửa.

Không ăn lúc bị tiêu chảy: Giống như tất cả các loại trái cây giàu chất xơ, đu đủ không an toàn nếu ăn quá nhiều trong giai đoạn bị tiêu chảy. Nguy hiểm hơn cả là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng.

- Phụ nữ có thai: Trong khi đu đủ chín được coi là an toàn và bổ dưỡng thì đu đủ xanh lại có thể làm tăng nguy cơ khiến tử cung bị co thắt do có nhựa. Nếu bà bầu ăn phải nhựa của đu đủ xanh, thai nhi có thể bị ảnh hưởng dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.

Ảnh minh họa© Được Tuổi trẻ cung cấp

Tránh tương tác với các thực phẩm "kỵ giơ"

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đu đủ là loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng nếu kết hợp sai cách, chúng có thể gây ra những tác động xấu đối với sức khỏe.

- Thêm chanh tạo ra độc tố: Thêm nước cốt chanh vào món nộm đu đủ sẽ có hại nhiều hơn lợi. Bởi chanh và đu đủ cùng nhau sẽ tạo ra độc tố có thể dẫn đến thiếu máu và mất cân bằng hemoglobin, gây nguy hiểm cho trẻ em cũng như người lớn. Vì vậy, nên tránh sự kết hợp này.

- Chớ ăn cùng sữa: Ăn các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, bơ hoặc sữa chua với đu đủ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và co thắt dạ dày. Đu đủ có chứa các enzym có thể làm rối loạn quá trình tiêu hóa các sản phẩm từ sữa này và gây khó chịu.

- Dưa chuột: Ăn dưa chuột với đu đủ có thể gây chướng bụng, đầy hơi, co thắt dạ dày và tiêu chảy, vì dưa chuột được biết là có hàm lượng nước cao và cuối cùng dẫn đến lượng nước dư thừa trong cơ thể.

- Cam quýt: Tiêu thụ trái cây họ cam quýt như cam, bưởi hoặc chanh với đu đủ có thể tạo ra vị chua và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Đu đủ và trái cây có múi chứa hàm lượng vitamin C cao và có thể dẫn đến trào ngược axit, ợ nóng và kích ứng dạ dày.

- Thức ăn cay: Tiêu thụ thực phẩm cay với đu đủ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như co thắt dạ dày, đầy hơi và tiêu chảy. Thực phẩm cay được biết là gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khi kết hợp với đu đủ, chúng có thể dẫn đến khó chịu về tiêu hóa.

- Nho: Nho kết hợp với đu đủ có thể gây ra axit và khí vì nho có tính axit cao. Tính axit cao của nho khi kết hợp với đu đủ có thể dẫn đến axit và kích ứng dạ dày.

Ăn đu đủ ngay sau khi vừa uống một số loại thuốc cũng gây nên tác dụng phụ, đặc biệt là thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi lỡ ăn đu đủ lúc sử dụng loại thuốc này.

Bởi đu đủ có chứa vitamin K và vitamin K có thể gây nguy hiểm cho người đang dùng thuốc chống đông. Vì thế, cần cân bằng giữa hàm lượng vitamin K ăn vào và liều lượng thuốc.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

HUYẾT ÁP CAO CẦN LƯU Ý

 Người huyết áp cao cần lưu ý gì để tránh nguy cơ tai biến mạch máu não

Câu chuyện của tác giả VÂN HI

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não. Huyết áp càng tăng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não càng cao, dễ dẫn đến đột quỵ.

Những hậu quả mà cao huyết áp và tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh là rất lớn. Vì vậy, việc phòng ngừa huyết áp cao và các biến chứng là rất quan trọng. Theo đó, người bệnh cần lưu ý những điểm sau để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp:

Kiểm soát huyết áp

Người bệnh nên chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp như thay đổi thói quen ăn uống, tăng cường vận động, giảm căng thẳng. Kiểm soát huyết áp nhằm đạt trị số huyết áp mục tiêu (dưới 140/90mmHg). Sử dụng thuốc hạ huyết áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều.

Nên lưu ý và đến gặp bác sĩ khi có những biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt (cảm giác quay), có hiện tượng quên, rối loạn cảm xúc (buồn giận thất thường...), rối loạn tâm lý, hiện tượng ruồi bay (nhìn thấy những điểm đen).

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bệnh nhân huyết áp cao nên khám sức khỏe thường xuyên, bao gồm kiểm tra huyết áp, lipid máu, lượng đường trong máu và các chỉ số khác, cũng như kiểm tra hình ảnh như điện tâm đồ và siêu âm, để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Người bệnh cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của bản thân. Ảnh minh họa: Nguyễn Ly© Được Lao Động cung cấp

Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu

Các thành phần trong thuốc lá và rượu bia đều làm tăng nguy cơ nhồi máu não ở bệnh nhân huyết áp cao. Do đó, người bệnh nên bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia để giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.

Chế độ ăn uống hợp lý

Bệnh nhân huyết áp cao nên tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất có trong rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu protein. Hạn chế ăn quá nhiều chất béo, muối, đường, đồng thời ăn ít thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao.

Tập thể dục hợp lý

Việc rèn luyện thể dục thể thao là một trong những cách giúp cải thiện sức khỏe, giúp người bị huyết áp cao kiểm soát cân nặng, và cải thiện chức năng tim phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân nên có chế độ tập thể dục phù hợp với sức khỏe bản thân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Duy trì sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu và có liên quan mật thiết đến sức khỏe thể chất. Do đó, bệnh nhân huyết áp cao nên chú ý giảm căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn đầu óc và duy trì thái độ lạc quan.

Ngoài ra, để phòng ngừa tai biến mạch máu não ở người huyết áp cao thì những khi thời tiết thay đổi đột ngột, lúc chuyển mùa, người bệnh nhất là đối với người cao tuổi không nên đi tiểu ngoài trời lạnh vào ban đêm, đề phòng tai biến. Đồng thời khi vừa hoạt động nặng hoặc đi dưới trời nắng về không nên tắm ngay, tránh sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột cũng như không nên bật dậy ngay ra khỏi giường khi mới tỉnh giấc.