Mùa xuân bình yên: 1. SỨC KHỎE DINH DƯỠNG - Uống nhiều nước có thật sự tốt?

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

1. SỨC KHỎE DINH DƯỠNG - Uống nhiều nước có thật sự tốt?

 Hầu hết người dân đều hiểu tầm quan trọng của nước với sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên uống đủ thay vì để thiếu hoặc thừa nước.

“Uống nhiều nước lên”, chị V.P.L. (30 tuổi, ngụ Đống Đa, Hà Nội) cao giọng khi thấy cô con gái 8 tuổi vừa ra khỏi phòng, mở cửa tủ lạnh tìm kiếm đồ ăn như thường lệ.

Trên thực tế, đó là một trong những lời dặn dò tiêu biểu của các ông bố, bà mẹ với con cái. Đây cũng là lời tự nhắc nhở của nhiều người đối với bản thân mỗi ngày.

Với những lợi ích không cần bàn cãi của nước cho cơ thể, điều này không sai, nhất là khi lối sống bận rộn nơi thành thị khiến đa số chúng ta “quên” việc phải uống nước.

Dẫu vậy, "thái quá bất cập". Việc uống quá nhiều hay quá ít nước đều mang đến những tác động không tốt cho sức khỏe con người.

Lợi bất cập hại

Trao đổi với Zing, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định với tỷ lệ lớn trong cơ thể, nước đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của con người.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể nhịn ăn trong 15-20 ngày nhưng chỉ không uống nước được tối đa 2-3 ngày. Điều này phần nào thể hiện cơ thể rất cần nước. Tuy nhiên, chỉ nên nạp ở mức vừa đủ”.

Theo vị chuyên gia, một số người hiện có quan niệm phải uống thật nhiều nước để tốt cho sức khỏe. Số khác thậm chí cho rằng uống nhiều nước sẽ hạn chế nguy cơ cặn thận, sỏi thận,... Điều này không đúng.

Uống thừa hay thiếu nước đều mang lại những tác động xấu tới sức khỏe, đặc biệt với thận. Ảnh minh họa: marvin_meyer.

Uống thừa hay thiếu nước đều mang lại những tác động xấu tới sức khỏe,
đặc biệt với thận. Ảnh minh họa: marvin_meyer.

Bác sĩ Hào giải thích: “Việc uống quá ít nước khiến các chất độc, cặn bã không được đào thải ra ngoài. Lúc này thận cũng sẽ giảm khả năng hoạt động, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể”.

Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay nước rất cần thiết đối với sức khỏe con người bởi tất cả phản ứng và quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần nước.

Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Do đó, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sống của cơ thể.

Riêng đối với trẻ em, thiếu nước có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn, thậm chí tử vong nếu mất nước nặng trong các trường hợp tiêu chảy cấp. Thiếu nước cũng là nguyên nhân gây chứng táo bón ở trẻ em, một chứng bệnh rất hay gặp.

Trái lại, việc uống quá nhiều nước lại đặt cơ thể vào tình trạng buộc phải đào thải quá nhiều chất thông qua thận. Khi đó, thận phải làm việc quá nhiều, đồng thời khiến các vi chất dinh dưỡng quan trọng cũng bị đào thải ra ngoài.

“Không chỉ thận, tim cùng nhiều cơ quan khác của cơ thể sẽ buộc phải làm việc nhiều hơn để xử lý lượng nước quá lớn. Việc này gây tiêu tốn năng lượng và gây ra những phản ứng không tốt”, bác sĩ Hào cho biết.

Từ đây, vị chuyên gia khẳng định uống quá nhiều hay quá ít nước đều không nên. Chúng ta cần đảm bảo một lượng nước vừa đủ để cơ thể làm việc trong trạng thái cân bằng.

Uống nước như thế nào?

“Lượng nước thế nào là đủ sẽ phụ thuộc vào loại hình lao động của mỗi người và ngoại cảnh. Ví dụ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, chúng ta sẽ cần bổ sung nhiều nước hơn những ngày lạnh, hanh khô. Các vận động viên, người lao động chân tay thường xuyên đổ mồ hôi cũng sẽ cần lượng nước lớn hơn nhóm nhân viên văn phòng”, bác sĩ Lê Quang Hào nói.

Mỗi nhóm tuổi, thời tiết, công việc sẽ có lượng nước "đủ" khác nhau.

                            Ảnh minh họa: johnny_mcclung

Về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Hải bổ sung các mức nước trung bình với mỗi nhóm tuổi cần đảm bảo gồm:

  • Người lớn: 2-2,5 l/ngày.
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tháng: Nếu bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột công thức pha đúng theo tỷ lệ hướng dẫn trên hộp sữa, bố mẹ không cần cho trẻ uống thêm nước. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ra nhiều mồ hôi, còi xương hoặc đi ngoài phân táo bón có thể cho trẻ uống thêm khoảng 100-200 ml/ngày.
  • Trẻ 6 -12 tháng: Nhu cầu nước là 100 ml/kg/ngày (kể cả sữa).
  • Trẻ trên một tuổi: Trẻ 10 kg cần 1 l nước/ngày (kể cả sữa). Còn trẻ trên 10 kg, mỗi kg thêm 50 ml.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên lượng nước uống bằng người lớn: 2-2,5 l/ngày.

Ngoài ra, bác sĩ Hải cho rằng chúng ta nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn. Không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn bởi chúng sẽ hòa loãng và nhanh đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến quá trình tiêu hóa gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc ăn và uống đồng thời cũng khiến chúng ta nuốt món ăn chưa được nhai kỹ, không tốt cho quá trình tiêu hóa và hấp thu.

Vị chuyên gia khuyến nghị uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày, không nên uống một lần quá nhiều. Tốt nhất là nên uống chậm, từng ngụm để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu, đồng thời thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể khi thiếu nước.

Bác sĩ Hải cho biết thêm để đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, (Không uống nước đun sôi để quá 3 ngày), nếu uống nước đóng chai, phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Chú ý hạn sử dụng. Các loại nước suối, nước khoáng thiên nhiên không có kỳ hạn, chỉ có ngày sản xuất, còn lại chỉ nên sử dụng trong 6 tháng. Và đây là những thời điểm uống nước hợp lý nhất:

1- 1 cốc 200 ml nước lọc khi thức dậy: rửa ruột, thanh lọc cơ thể;

2- 1 cốc trước khi tắm: hạ huyết áp, bởi khi tắm cơ thể bạn lạnh hơn nên sẽ phải huy động năng lượng để cân bằng thân nhiệt. Do đó quá trình cân bằng thân nhiệt cơ thể cần nước để giải nhiệt bên trong.

3- 1 cốc trước khi ăn 1 tiếng: kích thích vị giác, hỗ trợ dạ dày, hệ tiêu hóa của bạn vận hành tốt hơn, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ các dưỡng chất. Ngoài ra uống nước trước bữa ăn còn giúp bạn ngăn ngừa chứng táo bón.

4- Uống lượng nước vừa đủ trước, trong và sau khi tập luyện; 100-250ml;

5- 1 cốc nhỏ trước khi đi ngủ: sẽ không làm bạn mất ngủ mà nó còn có tác dụng đặc biệt giúp đường hô hấp, máu tuần hoàn tốt hơn, từ đó khiến bạn ngủ ngon hơn. Có thể còn hạn chế các bệnh tim, mạch nữa.

Uống từng ngụm nhỏ để tránh bị sặc!

Đơn giản quá phải không? Bạn đã thực hiện chưa?

Bàn về Ăn & Uống (1.2.3.4.5.6). Theo Quoc Toan

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét